Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa hoàn tất việc mua lại 65% cổ phần của Công ty đường Khánh Hòa và đổi tên đơn vị này thành Công ty cổ phần đường Việt Nam (Vietsugar).
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, nhiều năm nay, doanh nghiệp tập trung đầu tư, mở rộng nguồn nguyên liệu để chủ động sản xuất. Đi theo chiến lược này, nên sau một thời gian đàm phán, doanh nghiệp quyết định sở hữu 65% cổ phần của Công ty đường Khánh Hòa để dần khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất.
"Đây không chỉ là cái bắt tay mang tính chiến lược giữa hai doanh nghiệp trong ngành thực phẩm. Với sự đầu tư và kinh nghiệm quản trị tiên tiến của Vinamilk, sự hợp tác còn tạo hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, từng bước giúp người trồng mía nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu", bà Liên chia sẻ.
Vinamilk bước chân vào ngành mía đường khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sắp có hiệu lực. Theo bà Liên, đây là cơ hội vì càng cạnh tranh thì càng phát triển. Ngành này đã được bảo hộ nhiều năm, nên cần thay đổi để phát triển hơn.
Công ty cổ phần Đường Việt Nam chính thức ra mắt. |
Ông Đỗ Thành Liêm - Tổng giám đốc Công ty đường Việt Nam nhận định, nền kinh tế thị trường luôn cần những bước chuyển mang tính đột phá. Ông kỳ vọng Vinamilk có nhiều đóng góp cho ngành đường, người trồng mía có khả năng tăng thu nhập và cạnh tranh tốt hơn. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên ở Khánh Hòa phù hợp để làm vùng nguyên liệu sản xuất nên sự hợp tác này hứa hẹn đem lại sức bật mới cho sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam.
Công ty đường Khánh Hòa thành lập năm 1989, công suất 100 tấn mía một ngày. Đến tháng 1/2017 chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang cổ phần. Sắp tới, đơn vị này tăng công suất lên 15.000 tấn mỗi ngày; luyện đường thô độc lập 2.000 tấn một ngày. Các sản phẩm chủ lực là đường tinh luyện và đường nâu tự nhiên, chế biến trực tiếp từ cây mía trồng tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Vinamilk là nhãn hàng tiêu dùng nhanh số một Việt Nam, theo Kantar Worldpanel. Công ty có 10 trang trại đang hoạt động với quy mô lớn, toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ, New Zealand. Sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 đạt 1.500-1.800 tấn một ngày.
Ngoài 13 nhà máy sản xuất sữa khắp Việt Nam, Vinamilk còn xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia, nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ), đầu tư công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại tại châu Âu.
Sản phẩm của doanh nghiệp có mặt ở hơn 40 nước. Kim ngạch xuất khẩu từ mức xấp xỉ 30 triệu USD vào năm 1998 đã tăng lên gần 260 triệu USD năm 2016.
Theo VNE