Thông tin này được Thứ trưởng Công Thương - Cao Quốc Hưng khẳng định khi trả lời VnExpress ngày 28/11.
Giám sát để đảm bảo không có thao túng giá
Ngày 9/11 vừa qua Chính phủ chính thức thông qua kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trình tự bán vốn lần này tại Sabeco sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Phương án thoái vốn tại Sabeco đã có nhưng quyết định trên hiện là văn bản mật. Những thông tin cụ thể về số lượng cổ phiếu bán ra, giá, tỷ lệ cổ phần nhà nước được giữ lại... sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.
Sabeco là doanh nghiệp có lượng vốn hóa tương đối lớn nên việc thoái vốn, cổ phần hoá phải có lộ trình từng bước để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước và cho nhà đầu tư.
Thêm nữa, quá trình bán tài sản chung của Nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật; đảm bảo các nhà đầu tư trong nước – nước ngoài tuân thủ đúng pháp luật. Vì vậy phải cân nhắc rất kỹ trong từng thời điểm, mức độ.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết phương án thoái vốn tại Sabeco đã có nhưng hiện là văn bản mật. |
Chỉ có tại buổi công bố thông tin mới có thể công bố cụ thể nội dung của phương án để các nhà đầu tư tính toán triển khai công việc đầu tư. Hiện, chưa phải thời điểm mốc đấy nên chúng tôi chưa thể công bố cụ thể.
Theo quy định của thị trường chứng khoán mốc thông tin đó sẽ được cung cấp đồng nhất cho các nhà đầu tư để họ xác định mốc thông tin khác để triển khai việc thoái vốn và sở hữu cổ phần.
Vì sao Bộ Công Thương phải đề nghị Bộ Công an vào cuộc giám sát quá trình thoái vốn tại Sabeco, điều trước đây chưa hề có tiền lệ trong các đợt bán vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, thưa ông?
Do mức độ vốn hoá của Sabeco lớn nên để đảm bảo ổn định thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp này đúng theo quy luật thị trường, Bộ Công Thương đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán, Bộ Công an cùng giám sát diễn biến cổ phiếu của Sabeco. Đây là việc hoàn toàn bình thường để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Việc giám sát chặt chẽ cổ phiếu Sabeco trên thị trường không có nghĩa sẽ có sự cản trở từ cơ quan Nhà nước trong quá trình thoái vốn, mà đảm bảo không để xảy ra sai sót, vi phạm gì hay có hành vi thao túng trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa Sabeco.
Trước thời điểm bán vốn, Sabeco đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu thông tin (roadshow) tới các nhà đầu tư tại Singapore, London (Anh) và tới đây tại TP.HCM. Tuy nhiên khá nhiều nhà đầu tư sau buổi roadshow tại Singapore bày tỏ thất vọng khi họ phải "tay trắng ra về" khi những thông tin cần nhất về tỷ lệ vốn thoái, giá bán đấu giá... không được công bố. Ông nhìn nhận ra sao về kết quả những cuộc roadshow này?
Tôi không cho là như vậy. Tại các roadshow mà Sabeco tổ chức ở Singapore hay London (Anh), doanh nghiệp đã cung cấp thông tin cho nhà đầu tư quan tâm về tình hình sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Mỗi nhà đầu tư khác nhau có mối quan tâm khác nhau, nên ngoài các phiên giới thiệu tổng thể, nhà đầu tư đã tiếp xúc, tìm hiểu tại các phiên đàm phán, thảo luận riêng với lãnh đạo doanh nghiệp. Theo báo cáo ban đầu thì roadshow ở Singapore đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư riêng lẻ, quỹ đầu tư lớn, cũng như nhà đầu tư trong ngành, ngoài ngành đồ uống. Có Quỹ có số vốn rất lớn, thể hiện sự quan tâm bằng việc đặt nhiều câu hỏi, thể hiện tính chuyên nghiệp cao.
Chúng ta đã tiến hành từng bước, không phải quá gấp, để các nhà đầu tư tiềm năng có thông tin cần thiết về doanh nghiệp. Tuy nhiên, roadshow chỉ là bước đầu để cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư. Sau khi tham gia roadshow các nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp, đánh giá lại sự quan tâm của mình và tiến tới quyết định đầu tư hay không.
Sau công bố thông tin sẽ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán đã có thời điểm tăng đỉnh, vượt 300.000 đồng một cổ phiếu. Có nghi ngờ rằng cổ phiếu Sabeco đang bị làm giá, ông bình luận ra sao?
Giá cả cổ phiếu lên xuống là bình thường. Vừa qua cổ phiếu Sabeco tăng mạnh, Bộ Công Thương cùng Uỷ ban Chứng khoán đã giám sát, lên phương án để đảm bảo không có sự thao túng, đảm bảo thực hiện thoái vốn đúng quy định thị trường, quy định của pháp luật.
Riêng với Sabeco có vốn hóa rất lớn nên sự tham gia của các nhà đầu tư lớn là rất quan trọng. Hiện tỷ lệ vốn hóa của doanh nghiệp này là 205.000 tỷ đồng, nên cần có các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia.
Nhưng cũng có hạn chế là hiện room cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 49%, và bia là ngành kinh doanh có điều kiện nên phải đảm bảo không được vượt quá tỷ lệ được cho là thống lĩnh thị trường theo quy định tại Luật Cạnh tranh.
Habeco mới đạt được thoả thuận bước đầu với Carlberg
Ngoài Sabeco, hiện một doanh nghiệp ngành bia khác là Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng có kế hoạch sẽ thoái vốn trong năm nay. Lộ trình thoái vốn cụ thể tại Habeco ra sao, thưa ông?
Thời gian qua theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai đàm phán, cùng với đó là xây dựng phương án thoái vốn tại Habeco. Đàm phán sơ bộ với Carlsberg đã có kết quả bước đầu, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục quá trình này với nhà đầu tư chiến lược của Habeco. Song song đó Bộ đã bước đầu xây dựng phương án thoái vốn và sẽ sớm trình Chính phủ.
Ngoài 2 doanh nghiệp lớn ngành bia, lộ trình thoái vốn, cổ phần hoá tại các doanh nghiệp khác trong ngành Công Thương hiện đang được thực hiện thế nào, thưa ông?
Năm 2017 Bộ Công Thương vẫn đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá các tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Than & khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Hoá chất (Vinachem)... và các đơn vị trực thuộc.
Theo kế hoạch Bộ đang tích cực triển khai cổ phần hoá tại một số tổng công ty có giá trị lớn và đã hoàn thành công bố giá trị, thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hoá của Lọc hoá dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty truyền tải 3 (Genco3) ...
Chúng tôi cũng đang thẩm định giá trị doanh nghiệp và đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty thuốc lá (Vinataba), dự kiến sẽ công bố kế hoạch cổ phần hoá vào quý I/2018 và hoàn thành vào quý II/2018.
Với Tổng công ty Giấy Việt Nam hiện Bộ đã hoàn thành phương án và trình Chính phủ, nhưng trước đó phải xử lý xong đấu giá Công ty Giấy Phương Nam và đã triển khai 3 vòng đấu giá, tuy nhiên đến nay chưa ghi nhận được nhà đầu tư nào quan tâm, nên tới đây sẽ tiếp tục triển khai đấu giá nhà máy này.
Về thoái vốn năm 2017, Bộ Công Thương tích cực triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là Sabeco, Habeco, Tổng công ty máy động lực, máy công nghiệp (Vim). Ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác như Tổng công ty thiết bị máy công nghiệp; Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam... đang tích cực triển khai phương án thoái vốn.
Vậy theo ông đâu là khó khăn lớn nhất trong quá trình thoái vốn tại Sabeco nói riêng, các doanh nghiệp ngành Công Thương nói chung?
Phương án thoái vốn của mỗi doanh nghiệp có khó khăn thuận lợi khác nhau. Với doanh nghiệp nhỏ thì việc bán để làm cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Còn doanh nghiệp lớn thì phải tính đến vấn đề thoái vốn và sự hấp thụ của thị trường, làm sao để tìm được nhà đầu tư đúng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển cũng như mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tìm hiểu rất kỹ về những quy định của pháp luật liên quan với mục tiêu là công khai, minh bạch, đảm bảo pháp luật, nhiều quan điểm khác nhau đã được thảo luận. Tuy nhiên có trường hợp mục đích cao nhất không hoàn toàn trùng lắp với những việc ta được phép làm. Bộ Công Thương đang nỗ lực đưa ra phương án đảm bảo mục tiêu tối đa.
Theo VNE