Báo Nhật: Chính phủ Việt Nam muốn nắm quyền phủ quyết tại Vinamilk, Sabeco

Thứ bảy, 09/09/2017, 08:51
Tờ Nikkei của Nhật cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn muốn duy trì quyền sở hữu cổ phần ở mức độ đủ cao để có quyền phủ quyết nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm cả Vinamilk và Sabeco.

Ảnh minh hoạ

Tờ Nikkei của Nhật vừa có bài viết về tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam.

Mở đầu bài viết, Nikkei cho rằng, kể từ khi chính thức công bố vào tháng 9 năm ngoái, kế hoạch bán cổ phần tại 12 doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Việt Nam vẫn diễn ra với tốc độ quá chậm.

"Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ vẫn muốn duy trì quyền sở hữu cổ phần ở mức độ đủ cao để có quyền phủ quyết nhóm doanh nghiệp này", Nikkei bình luận.

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện đang nắm danh mục đầu tư tại rất nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Mới đây, SCIC công bố đã bán 3,3% cổ phần tại Vinamilk. Sau khi thương vụ này hoàn tất, SCIC vẫn nắm 36% cổ phần tại Vinamilk. Nikkei dẫn ý kiến bình luận từ một chuyên gia tại công ty môi giới chứng khoán có liên doanh với Nhật tại Việt Nam cho rằng, với động thái này cho thấy, Chính phủ Việt Nam vẫn muốn nắm quyền phủ quyết tại Vinamilk và đây là mục tiêu mà Chính phủ hướng tới.

Tháng 12 năm ngoái, SCIC công bố kế hoạch bán 9% cổ phần của Vinamilk, công ty sữa hàng đầu của Việt Nam và có lợi nhuận luôn duy trì ở cao. Dù có lịch sử tốt nhưng chỉ duy nhất một bên muốn mua là công ty nước giải khát có trụ sở tại Singapore Fraser và Neave (F&N). Một số chuyên gia cho rằng, mức giá cao và quá trình đấu thầu phức tạp khiến ít nhà đầu tư tiềm năng quan tâm tới thương vụ này. Sau đó, SCIC chỉ bán được 5,4%.

Tương tự như vậy, Nikkei cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể cũng đang có ý định giữ quyền phủ quyết của mình tại Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Hiện Chính phủ Việt Nam đang nắm 89,6% cổ phần tại Sabeco, và theo kế hoạch tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Sabeco sẽ giảm xuống 35,6%. Tuy nhiên, cho đến nay, chi tiết về kế hoạch tiếp tục bán cổ phần cũng như mức giá bán cụ thể tại Sabeco vẫn chưa được công bố.

Liên quan tới công tác thoái vốn nhà nước, một báo cáo từ Uỷ ban Kinh tế Quốc hội mới công bố thừa nhận, tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần doanh nghiệp. Đặc biệt, số doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa (trên 49%) còn lớn, nên làm giảm mức độ hấp dẫn của nhà đầu tư.

Báo cáo này cho biết, trong tổng số 44 doanh nghiệp nhà nước dự kiến cổ phần hóa năm 2017, 33 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần, trong đó 10 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2017.

Theo nhiệm vụ cổ phần hoá, từ năm 2016 - 2020, 137 doanh nghiệp nhà nước sẽ phải cổ phần hoá, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)...

Tại họp báo diễn ra hồi tháng 7, trả lời về công tác thoái vốn, cổ phần hoá, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp cho biết, hiện nay quy trình thoái vốn được thực hiện theo các bước quy định tại Nghị định 91 về quản lý vốn, tài sản doanh nghiệp nhà nước.

Gần đây nhất, Thủ tướng có chỉ đạo, doanh nghiệp thoái vốn thực hiện theo 4 nguyên tắc phải đảm bảo: công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất, đúng quy luật thị trường và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Đồng thời, khẩn trương triển khai để đạt hiệu quả cao nhất.

"Trong quá trình thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ, Bộ luôn chỉ đạo tuân theo nguyên tắc đã đặt ra. Trên nguyên tắc như vậy, thoái vốn theo quy trình chặt chẽ thông qua đấu giá công khai, đảm bảo quy trình của Nhà nước", bà Hoa nói.

Đối với trường hợp của Sabeco, một báo cáo từ CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) mới đây cho biết, theo một công văn đề ngày 30/8 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Nhà nước sẽ bán 53,59% cổ phần tại Sabeco. Nhiều khả năng phương thức bán cổ phần sẽ là đấu giá.

Tuy nhiên, chưa biết việc bán cổ phần sẽ được thực hiện một lần hay nhiều đợt. Nếu được làm theo cách thức tương tự như trường hợp của Vinamilk, thì nhiều khả năng cổ phần Nhà nước sẽ được bán ra theo các đợt khác nhau.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn