Chấm dứt kiểu thu phí BOT ‘trấn lột, cân điêu’

Thứ bảy, 09/09/2017, 09:56
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH), cho rằng phải chấm dứt ngay thu phí BOT "kiểu trấn lột", người dân không đi đường BOT thì không thể thu phí.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng dự án BOT có nguy cơ tạo bất ổn trong xã hội

Tại tọa đàm "Dự án BOT - chính sách và giải pháp" do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển tổ chức hôm qua (8.9), các chuyên gia đã chỉ ra những bất cập, nhức nhối của dự án BOT.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, cho rằng nếu không xử lý sớm những bất cập của các dự án BOT sẽ tạo ra bất ổn xã hội. Hợp đồng BOT phải có ý kiến tất cả các cổ đông liên quan, trong khi cổ đông quan trọng nhất là QH, người dân, doanh nghiệp vận tải - những người chi trả tiền, lại đang bị bỏ qua.

Theo ông Dũng, đầu tiên là phải chấm dứt ngay thu phí BOT "kiểu trấn lột", người dân không đi đường BOT thì không thể thu phí.
“Trả một đồng mà bất công, người dân cũng không chịu. Phải di dời trạm, không thể vì hứa với nhà đầu tư nên không di dời được, không thể trấn lột người dân như thế. Cũng không thể “cân điêu” cho những người dân sống xung quanh trạm, khi đi qua lại cũng bị thu phí cả tuyến, phải miễn phí cho những người này”, ông Dũng đề xuất.
Ông Dũng cũng cho rằng việc tráng lại mặt đường như các dự án mở rộng QL1 rồi thu tiền phải hủy bỏ, vì người dân đã trả tiền phí bảo trì đường bộ, không lý gì bị thu thêm lần nữa. “Cần có những phiên tranh luận tại QH để làm sáng tỏ các bất cập của BOT, các ủy ban của QH có thể tổ chức điều trần để các bên liên quan tranh luận công khai, ban hành nghị quyết xử lý triệt để”, ông Dũng nói.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho hay trong một hợp đồng BOT ký giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các nhà đầu tư, điều 76.6 bảo mật về nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng yêu cầu không tiết lộ thông tin cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào bên ngoài. “Điều này trái với quy định của nhà nước, ngược với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về phản biện xã hội”, ông Liên nói và cho rằng nguồn gốc những bất cập BOT như dự án tuyến tránh Cai Lậy phát sinh từ sự thiếu minh bạch này.
Trong khi đó, dẫn ra ví dụ chi phí vận tải chiếm 60% giá thành của một số doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL, trong đó chi phí BOT cao hơn chi phí xăng dầu từ ĐBSCL về TP.HCM, theo TS Lê Đăng Doanh, giảm chi phí đầu vào là yếu tố sống còn với nền kinh tế, trong đó có chi phí BOT.
Các chuyên gia cho rằng để các dự án BOT tới đây hiệu quả, cần tổ chức phản biện trên diện rộng, với sự đóng góp của các chuyên gia độc lập. Các chủ dự án phải có ít nhất 70 - 80% vốn tự có để thi công, xử lý hình sự khi nhà đầu tư vi phạm pháp luật…
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn