Ông Ngô Văn Tụ, CEO của Vinasoy, thông tin ông rất bất ngờ khi biết quảng cáo của nhãn hàng mình xuất hiện trên video nội dung không phù hợp. Điều này đi ngược với chủ trương của doanh nghiệp.
Vinasoy đã tạm dừng quảng cáo trên YouTube. |
Đơn vị trực tiếp phụ trách quảng cáo của Vinasoy cho hay đơn vị này luôn cố gắng đảm bảo nhãn hàng không xuất hiện quảng cáo bên cạnh những nội dung xấu, đặc biệt là sau đợt xử lý đầu năm nay của Bộ Thông tin Truyền thông.
Khi nhận được phản ánh về việc quảng cáo Vinasoy xuất hiện trong video có nội dung không phù hợp với trẻ em, thu hút nhiều bình luận tục tĩu, mang tư tưởng ấu dâm, đơn vị phụ trách quảng cáo của Vinasoy đã cho dừng quảng cáo trên YouTube.
Vietjet Air cũng đã gửi thư thông báo tới Google khi nhận được thông tin về quảng cáo của hãng xuất hiện cạnh nội dung không phù hợp. "Chúng tôi đã nói rõ nếu Google không kiểm soát được, hãng sẽ dừng ngay quảng cáo YouTube", đại diện hãng hàng không cho biết.
Đại diện FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Cô gái Hà Lan, khẳng định hãng không chấp nhận việc hình ảnh quảng cáo của công ty xuất hiện bên cạnh những nội dung phản cảm, không lành mạnh. Đây có thể coi là sự việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh thương hiệu của công ty với 145 năm kinh nghiệm trên toàn thế giới.
"FrieslandCampina Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhà cung cấp dịch vụ để xử lí triệt để nếu có quảng cáo trên video xấu độc", đại diện doanh nghiệp sữa cho hay.
Đơn vị này cũng thông tin trong những tháng đầu năm 2017 FrieslandCampina Việt Nam đã tạm dừng các hoạt động quảng cáo trên các nền tảng vi phạm đồng thời cam kết dừng quảng cáo tới khi nào các nhà cung cấp nền tảng quảng cáo có giải pháp cụ thể để ngăn chặn vấn đề trong bối cảnh những thuật toán đang được áp dụng không phát huy hiệu quả.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, gần đây cơ quan này thấy tình trạng vi phạm xuất hiện trở lại, các doanh nghiệp tiếp tục quảng cáo, gắn vào video xấu.
"Nếu để ý kỹ, có thể thấy các quảng cáo gần đây đăng nhiều trên clip vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trẻ em", ông Do nói.
Đáng chú ý, nhiều nhãn hàng phục vụ trẻ em như các hãng sữa Nestle, Abbott, Vinasoy...lại xuất hiện quảng cáo trên các video có nội dung phản cảm, bình luận dung tục liên quan đến trẻ em.
Đại diện hãng sữa Abbott vẫn im lặng trước việc quảng cáo của hãng này xuất hiện bên cạnh nội dung phản cảm. Ảnh chụp màn hình. |
Bà Lê Uyên - chuyên gia quảng cáo online tại TP.HCM, phân tích các nhãn hàng có quyền lựa chọn việc quảng cáo của họ sẽ không hiển thị trên kênh nào, nhưng thường phó mặc cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Các đơn vị này thường phân phối quảng cáo của khách theo kiểu "quăng lưới", tức là chỉ dựa theo đối tượng mục tiêu và độ "hot" của kênh, dẫn tới có trường hợp xuất hiện cạnh nội dung xấu độc.
Khi sự việc xảy ra, nhiều đơn vị vẫn khá bị động, chưa cương quyết với YouTube như các thương hiệu nước ngoài, dù từng có khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng việc cung cấp thông tin độc hại lên YouTube là đầu độc tâm hồn, nhân cách của hàng triệu người, đôi khi có thể nghiêm trọng hơn tội giết người, vì nó có thể là nguyên nhân để gây nhiều loại tội ác khác nhau. Thời gian qua, chính các doanh nghiệp đó đã đồng loạt ngừng quảng cáo, đồng thời yêu cầu Google… phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nội dung khi khai thác quảng cáo.
"Sức ép từ cộng đồng doanh nghiệp muốn bảo vệ môi trường quảng cáo trong sạch, lành mạnh đã khiến Google tìm mọi biện pháp tháo gỡ, sàng lọc nội dung, lấy lại niềm tin cho khách hàng trên lãnh thổ Việt Nam", bà Hương nói.
Cuối tháng 11, YouTube đã phải gỡ bỏ quảng cáo trên 2 triệu video có nội dung không phù hợp với trẻ em, đồng thời điều tra về kết quả tìm kiếm chứa những gợi ý dung tục. Đây là động thái mới nhất của nền tảng chia sẻ video này, sau khi các thương hiệu lớn như Adidas, Deutsche Bank, Cadbury và Hewlett-Packard đồng loạt ngừng quảng cáo trên YouTube do phát hiện chúng hiện trên những video không phù hợp.
Youtube Youtube là một trang web chia sẻ video của Mỹ do 3 cựu nhân viên của Paypal tạo ra vào tháng 2 năm 2005. Trang web cho phép người dùng xem, tải lên, xếp hạng, chia sẻ, bình luận video và đăng ký tài khoản. Tháng 11/2016, Google đã mua lại trang web này với giá 1,65 tỷ USD. Bạn có biết: Tính đến tháng 2/2017, trang web này được công ty phân tích Alexa Internet xếp hạng là trang web phổ biến thứ hai trên toàn cầu.
|
Theo Zing