|
Theo dõi một người nổi tiếng phát livestream trên Facebook |
Những livestream (video tương tác trực tuyến) ngày càng được đầu tư công phu để người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm trên Facebook, mạng xã hội vì hiệu quả trong khi né được các quy định về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí né được thuế...
Đủ kiểu livestream
Mỗi tối, vào các khung "giờ vàng" hoặc cuối tuần, chỉ cần mở tài khoản Facebook, ai cũng dễ dàng gặp người nổi tiếng đang livestream. Mở đầu livestream thường là những câu chuyện tán gẫu ăn gì ngon, có gì vui không...
Khi lượng người xem ổn định, sẽ tới thông tin dạng: dùng gì để dưỡng da trước khi đi ngủ, giới thiệu sản phẩm bản thân người nổi tiếng đang dùng...
Cùng việc giới thiệu sản phẩm, những người này thoải mái giao lưu với người hâm mộ kèm theo đó là việc nhắc đi nhắc lại tên thương hiệu và địa chỉ cửa hàng.
Có M.C truyền hình lại livestream vào lúc đêm muộn, tâm sự thủ thỉ và đọc một đoạn sách trước khi đi ngủ, nhưng trước khi đọc sách không quên... đắp mặt nạ để quảng cáo cho thương hiệu mặt nạ dưỡng da.
Không chỉ giới thiệu sản phẩm, hiện đã phổ biến hình thức tặng quà vào cuối livestream, là sản phẩm mà người nổi tiếng nhận quảng cáo nhằm tăng lượng theo dõi, bình luận.
Trước mỗi lần "lên sóng" như vậy, luôn có các thông tin được tung lên trước, như ai muốn được tặng sản phẩm hoặc dịch vụ A, B, C thì 9h tối nay đón xem livestream của mình nhé. Có trường hợp người quảng cáo đến tận các spa hoặc mỹ viện vừa trải nghiệm vừa livestream...
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các sản phẩm được quảng bá đa dạng, từ mặt nạ dưỡng da, đến kem tan mỡ, máy lọc nước, cơ sở làm đẹp, thậm chí là thực phẩm chức năng, nịt bụng sau sinh...
Thu nhập khủng từ livestream quảng cáo
Chị Hương (TP.HCM), kinh doanh các sản phẩm làm đẹp, cho biết chị thường xuyên thuê người mẫu, hoa hậu, "hot girl", "hot mom", hoặc những blogger xinh đẹp giới thiệu sản phẩm.
Tùy độ tương tác sẽ có mức giá khác nhau, nhưng trung bình với các hoa hậu, á hậu, ca sĩ khoảng 10-15 triệu đồng/lần lên bài, 20 triệu đồng/livestream.
Với các "hot mom" giá cao hơn: 20 triệu đồng/post và 25 triệu đồng/livestream. Nhưng đây chỉ là khung giá chung, với những tên tuổi đang "nóng" hoặc hiệu quả cao, chi phí lớn hơn rất nhiều.
Hiện không chỉ các đơn vị kinh doanh nhỏ mới thuê "hot girl", "hot mom" quảng cáo mà những thương hiệu lớn cũng thuê người nổi tiếng tham gia livestream giới thiệu sản phẩm.
Nhiều người trong ngành cho rằng với tần suất xuất hiện dày đặc, thu nhập có được từ việc livestream quảng cáo có thể lên đến hàng trăm triệu/tháng hoặc hơn.
Sẽ rà soát khi quyết toán thuế
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, với những doanh nghiệp lớn, do muốn sòng phẳng về nghĩa vụ thuế nên các trường hợp thuê người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm đều làm hợp đồng chặt chẽ, có khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp thuê người ít nổi tiếng hơn, chi phí ít nên thường không làm hợp đồng mà trả luôn bằng tiền mặt, sau đó tìm cách hợp thức hóa bằng các khoản "chi khác" dẫn đến cơ quan thuế khó nắm được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết về nguyên tắc bất kỳ trường hợp nào có thu nhập đến ngưỡng chịu thuế đều phải kê khai và nộp thuế theo quy định. Với trường hợp người nổi tiếng livestream hoặc viết quảng cáo trên trang cá nhân cũng phải tuân thủ quy định này.
"Từ phản ảnh của các đại biểu trong kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, cơ quan thuế sẽ rà soát lại và đến kỳ quyết toán thuế năm 2017 sắp tới sẽ kiểm tra hồ sơ của các doanh nghiệp có thuê người nổi tiếng quảng cáo xem có thực hiện đúng quy định hay không", ông Tâm nói.
Ông Tâm cho biết từ kê khai của doanh nghiệp, sẽ đối chiếu với kê khai và quyết toán thuế của các cá nhân nổi tiếng xem họ có đưa các khoản thu nhập này vào diện thu nhập đóng thuế không...
Tuy nhiên, với trường hợp chỉ giao dịch bằng miệng và doanh nghiệp không lập hợp đồng, chuyên gia Nguyễn Thái Sơn cho rằng sẽ rất khó thu thuế vì ranh giới giữa quảng cáo và không quảng cáo rất mong manh.
Người quảng cáo hoàn toàn có thể lấy lý do là chỉ giới thiệu sản phẩm vì thích, do vậy, trước mắt cơ quan thuế sẽ gặp khó với trường hợp lấy nhiều lý do để trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Ông NGUYỄN HUY QUANG (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế):
Cẩn thận, nhiều nguy cơ
|
Một nhân vật nổi tiếng livestream giới thiệu sản phẩm - Ảnh chụp màn hình |
Theo quy định hiện hành thì quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng về dịch vụ - sản phẩm liên quan đến sức khỏe phải được ngành y tế phê duyệt nội dung.
Trên mạng chúng tôi thấy người ta bán đủ thứ, có cả thuốc men, dịch vụ y tế các loại. Người mua cần tỉnh táo khi lựa chọn các sản phẩm liên quan sức khỏe quảng cáo trên mạng.
Đơn cử, viên an cung ngưu hoàng hoàn cho người đột quỵ bán đầy trên mạng, nhưng nếu ai đột quỵ cũng uống an cung thì rất nguy hiểm bởi đột quỵ có thể tắc mạch nhưng cũng có thể chảy máu.
Nếu đột quỵ thể chảy máu mà uống an cung thì chảy máu nhiều hơn, nguy hại đến tính mạng.
Trên chợ online, người ta bán từ thuốc trị trĩ, trị viêm họng, tăng đề kháng... nhưng cả hướng dẫn và dùng đều chỉ theo kinh nghiệm.
Quảng cáo dịch vụ - sản phẩm liên quan đến sức khỏe mà không được cơ quan y tế duyệt nội dung là trái quy định.
Theo TTO