|
Lực lượng chức năng đảm bảo trật tự tại Trạm BOT Nam Bình Định |
Trước đó, Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT giảm giá vé qua các trạm BOT đặt trên địa bàn tỉnh này. Đề xuất giảm giá vé như sau: Đối với giảm giá chung: Loại 1 giảm còn 25.000 đồng; loại 2 giảm còn 45.000 đồng; loại 3 giảm còn 70.000 đồng; loại 4 còn 115.000 đồng; loại 5 còn 175.000 đồng. Đối với người dân địa phương vùng lân cận, áp dụng đối với phương tiện loại 1, cho các chủ phương tiện (không kinh doanh), xe biển xanh, xe buýt, xe chở rác, mức giảm 50% so với mức giá chung sau khi giảm giá.
° Cùng ngày, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: Sở GTVT cùng với nhà đầu tư, UBND quận Cái Răng vừa phổ biến toàn bộ các văn bản của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc giảm giá dịch vụ cho một số phương tiện tại trạm thu giá dịch vụ Km 2079 + 535, quốc lộ 1 (dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp) cho người dân địa phương và doanh nghiệp.
“Về triển khai thực hiện các công văn này, Sở GTVT đang phối hợp với UBND phường Ba Láng, UBND quận Cái Răng thống kê phương tiện thuộc đối tượng được giảm giá theo chấp thuận của Bộ GTVT và hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Sau khi hoàn tất thông kê sẽ trình UBND TP Cần Thơ có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, nhà đầu tư để miễn giảm giá chính thức cho các phương tiện, dự kiến vào cuối tháng 12-2017 sẽ triển khai áp dụng giảm giá”, ông Lê Tiến Dũng thông tin.
Trước đó, theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, được Bộ GTVT chấp thuận, về giảm giá chung cho các phương tiện qua trạm thu giá Km 2079 + 535 từ 7%-15% so với mức giá hiện tại. Riêng về việc giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận, phạm vi giảm giá thuộc 2 địa phương phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) với mức giảm 100% cho xe buýt và giảm 30%-35% cho tất cả phương tiện khác qua trạm so với mức giá hiện tại.
° Ngày 8-12, tại chuyến thị sát công trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan ưu tiên thúc đẩy thi công, chậm nhất quý 2-2018 phải đưa vào khai thác dự án xây dựng tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án cầu Hưng Hà nhằm mục tiêu giảm tải lưu lượng phương tiện thông qua quốc lộ 5, quốc lộ 1 cửa ngõ vào thủ đô Hà Nội.
Hiện dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành 60% khối lượng thi công phần đường tỉnh Hưng Yên và 70% khối lượng thi công phần đường tỉnh Hà Nam. Dự án cầu Hưng Hà cũng đảm bảo tốt tiến độ thi công, dự kiến, toàn bộ hạng mục thi công cầu sẽ hoàn thành vào tháng 6-2018, rút ngắn 11 tháng so với tiến độ hợp đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị lãnh đạo 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam chỉ đạo tập trung hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, tổng rà soát thủ tục đầu tư đảm bảo chặt chẽ, tăng cường đôn đốc, kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công, xử lý ngay những hạng mục không đảm bảo yêu cầu, cần thiết thì lập lại tiến độ thi công.
Theo SGGP