Vào thập niên 20, tâm điểm của bong bóng chứng khoán là sàn chứng khoán New York (NYSE). Cuối những năm 1990, tâm điểm của bong bóng dotcom là sàn Nasdaq và E-Trade. Còn trong cơn sốt Bitcoin hiện tại, cái tên đáng chú ý là Coinbase.
Dù thế giới có rất nhiều sàn giao dịch Bitcoin, Coinbase vẫn là cái tên thống trị tại Mỹ. Không công ty nào có quy trình đăng ký tài khoản, liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ để mua bán Bitcoin dễ dàng như Coinbase.
Số người dùng của Coinbase đã tăng từ 5,5 triệu hồi tháng 1 lên 13,3 triệu cuối tháng 11, theo số liệu từ Altana Digital Currency Fund. Đến cuối tháng 11, họ có lúc nhận tới 100.000 khách hàng mới một ngày.
Nhân viên xếp hàng lấy thức ăn trong phòng game của công ty. Ảnh: NYT |
Coinbase đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời kỳ đầu hoạt động, từ những trục trặc kỹ thuật không đúng lúc, đến những lời chỉ trích khắc nghiệt từ các công ty tài chính truyền thống và giới chức. Văn phòng của hãng tại San Francisco cho thấy rất rõ họ đã phải vất vả thế nào để theo kịp đà tăng trưởng.
Công ty này có tất cả tiện nghi và chế độ ưu đãi thông thường, từ miễn phí bữa trưa, bữa tối, phòng ăn cỡ lớn, phòng tập có thảm yoga đến phòng chơi game. Tuy nhiên, gần đây, mọi ngóc ngách trong này đều được tận dụng cho công việc. Sau khi Bitcoin chạm mốc 10.000 USD tuần trước, buổi đào tạo cho các giám đốc ở Coinbase đã phải chuyển sang phòng game, vì nhóm kỹ sư cần phải lập phòng tác chiến khẩn cấp tại phòng hợp thông thường.
Lượng truy cập quá lớn đã khiến website công ty ngừng hoạt động. Con số truy cập cao gấp đôi lúc đỉnh điểm cách đó 2 ngày, và gấp 8 lần so với tháng 6.
Khi đó, gần như tất cả sàn giao dịch Bitcoin lớn đều phải ngừng hoạt động một khoảng thời gian. Coinbase là website thuộc nhóm khắc phục nhanh nhất. Dù vậy, những sự cố như thế này sẽ là khó chấp nhận với các sàn truyền thống hơn, với cổ phiếu và các loại hàng hóa.
"Có nhiều thời điểm chúng tôi không thể bắt kịp khối lượng truy cập. Chúng tôi vẫn chưa đạt đến quy mô cần thiết", Jeremy Henrickson - Giám đốc Sản phẩm Coinbase cho biết.
Gần như mỗi sáng thứ Sáu, CEO Coinbase - Brian Armstrong đều tổ chức một buổi gặp tại nhà ăn, để các nhân viên hỏi anh về mọi thứ. Thứ 6 tuần trước, Amstrong đã bàn cách làm thế nào công ty phát triển, đồng thời giới thiệu Asiff Hirji - COO mới sẽ giúp anh phụ trách công việc chung.
CEO - Brian Armstrong đang nói chuyện với các nhân viên Coinbase. Ảnh: NYT |
Sự xuất hiện của Hirji là một sự công nhận rõ ràng, rằng ngành công nghiệp mới này cần những con người kỳ cựu hơn để giúp các lãnh đạo trẻ như Armstrong. Hirji sẽ quản lý hoạt động giao dịch của Coinbase, trong khi Armstrong tập trung vào các dự án mới.
Armstrong đã điều hành Coinbase từ khi anh đồng sáng lập website này năm 2012. Là người khá kín tiếng và nhẹ nhàng, anh được coi là ngoại lệ trong ngành công nghiệp toàn những người thích ăn to nói lớn. Armstrong rất ít khi xuất hiện và chính anh cũng thừa nhận cơn sốt hiện tại sẽ đi kèm với sự tiêu cực.
"Mọi người quá chú trọng vào giá và kiếm lời", anh cho biết, "Còn với tôi, thứ duy nhất khiến tôi đam mê tiền kỹ thuật số là thế giới tài chính mở mà nó mang lại". Armstrong hiện nắm nhiều Ether - đối thủ của Bitcoin hơn là Bitcoin.
Phần lớn các màn hình tại văn phòng của Coinbase hiển thị số liệu về server và khách hàng của hãng, như lượng người download ứng dụng trên iPhone. Tuần trước, Coinbase từng lọt top 10 ứng dụng được tải về nhiều nhất trên iPhone, vượt cả Uber và Twitter.
Một màn hình trong văn phòng Coinbase. Ảnh: NYT |
Một số màn hình khác thì hiển thị giá Bitcoin, Litecoin và Ether - 3 loại tiền kỹ thuật số mà Coinbase cung cấp dịch vụ giao dịch, giữ hộ khách hàng. Litecoin được tạo ra bởi một cựu nhân viên Coinbase, thường được coi là bạc nếu Bitcoin được ví với vàng. Còn Ether là tiền ảo giá trị thứ nhì thế giới, sau Bitcoin.
Coinbase là một trong những công ty đầu tiên được giới chức New York cấp giấy phép kinh doanh các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Dù vậy, năm ngoái, họ lại có bất đồng với Sở thuế Mỹ (IRS) về việc giao nộp dữ liệu khách hàng.
Người sở hữu Bitcoin phải nộp thuế nếu bán có lời. Tuy nhiên, IRS cho biết chỉ khoảng vài trăm người thực hiện đúng quy định này mỗi năm. Coinbase đã đấu tranh với IRS và tuần trước đạt thỏa thuận chỉ cung cấp dữ liệu của các khách hàng có giao dịch trị giá hơn 20.000 USD. Con số này chỉ khoảng 3% khách hàng của hãng.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ môi giới cho nhà đầu tư nhỏ, Coinbase còn điều hành một sàn giao dịch có tên GDAX nhắm đến nhà đầu tư lớn. GDAX được quản lý bởi Adam White - từng phục vụ trong Không quân và tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard.
Ngày Bitcoin chạm đỉnh 10.000 USD, ông đang ở New York, nói chuyện với các tổ chức tài chính lớn muốn tìm hiểu về Bitcoin. Một số công ty lớn cũng đang chuẩn bị ra mắt hợp đồng tương lai Bitcoin.
Một năm trước, việc với tới Wall Street còn khó khăn. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã dễ dàng hơn nhiều, White cho biết.
Coinbase cung đang đầu tư rất mạnh tay vào việc phát triển. Gần đây, họ đã thuê thêm văn phòng tại New York để phục vụ việc kinh doanh tại Wall Street và mở dịch vụ giữ tiền ảo cho khách hàng lớn. Tại San Francisco, họ cũng thuê thêm 2 tầng tại tòa nhà đang hoạt động.
Dù vậy, mối lo chính với các nhà đầu tư tiền ảo là Coinbase đang mở rộng không đủ nhanh. Hồi tháng 5, công ty này bị một khách hàng chỉ trích rằng không thể liên lạc được với ai khi tài khoản bị hack.
Coinbase đang nỗ lực phản hồi nhanh nhất có thể với khách hàng. Đầu năm nay, họ có 24 nhân viên dịch vụ khách hàng. Còn giờ, con số này đã lên 180, chủ yếu thuê ngoài từ Texas và Philippines. Nhà ăn của họ cũng biến thành "Câu lạc bộ tiền ảo", nơi các nhân viên mới được dạy mọi thứ về loại tiền này.
Daniel Romero - một giám đốc tại Coinbase cho biết anh muốn có 400 nhân viên dịch vụ khách hàng trước quý đầu năm sau, để hỗ trợ người dùng 24/24. "Khi dịch vụ khách hàng của anh bị cho là không tốt, và website sập khi người dùng muốn giao dịch, trải nghiệm đó rất kinh khủng", Romero cho biết.
Theo VNE