|
Xe ôm, taxi công nghệ cạnh tranh quyết liệt với xe ôm, taxi truyền thống |
Xung quanh việc các hãng taxi ở Hà Nội và TP.HCM phản ứng Uber và Grab, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Tan Hooi Ling - đồng sáng lập Grab và ông Jerry Lim - cùng là người Malaysia, giám đốc điều hành Grab Việt Nam.
Bà có suy nghĩ gì khi Grab ở Việt Nam bị các hiệp hội taxi Hà Nội và TP.HCM phản đối, cho rằng cạnh tranh không công bằng?
Bà Tan Hooi Ling: Grab luôn duy trì sự lắng nghe, đối thoại với cơ quan chính phủ, đơn vị quản lý vận tải hành khách công cộng, các hiệp hội taxi Hà Nội, TP.HCM cũng như các đối tác tài xế để phát triển hợp pháp, đôi bên cùng có lợi.
Grab có bao giờ trao đổi với các hiệp hội taxi chưa?
Ông Jerry Lim: Chúng tôi đã duy trì trao đổi liên tục, trong đó có chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chủ sở hữu các hãng taxi với sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông - Vận tải, các sở Giao thông - Vận tải...
Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất cung cấp nền tảng công nghệ cho họ, vì chúng tôi biết điều này sẽ rất hữu ích cho thu nhập của tài xế khi chúng tôi có nhiều nhu cầu từ khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội. Thực tế nền tảng công nghệ của chúng tôi không chỉ dành cho xe điện tử, xe hợp đồng, mà mở rộng bao trùm cả taxi nếu họ muốn.
Các hiệp hội taxi cho rằng Grab cạnh tranh không lành mạnh khi tài xế các hãng taxi phải đóng các bảo hiểm y tế xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, còn Grab chỉ có bảo hiểm rủi ro.
Bà Tan Hooi Ling: Tại Grab, do dịch vụ chính là cung cấp nền tảng công nghệ, cung cấp giải pháp cho các tài xế đối tác nên chúng tôi không sở hữu các tài sản cứng như taxi hay xe riêng.
Đồng thời, chúng tôi cũng không sở hữu các đối tác tài xế như nhân viên có ký hợp đồng lao động trả lương.
Phải chăng sắp tới Grab sẽ phát triển xe liên tỉnh?
Ông Jerry Lim: Hiện nay, khi mở ứng dụng ra, chúng tôi đã có Grab tỉnh - tức dịch vụ đặt xe liên tỉnh. Tuy nhiên, do các quy định của Chính phủ trong giấy phép thí điểm của Grab, hiện giờ việc di chuyển xuyên tỉnh có ràng buộc điểm đặt xe.
Cụ thể, điểm xuất phát phải từ 1 trong 5 tỉnh thành được cho thí điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.
Bà có suy nghĩ gì về ý kiến cho rằng Grab đang thu tiền bằng công nghệ và né thuế, trốn thuế?
Bà Tan Hooi Ling: Việc chúng tôi đóng thuế bao nhiêu đều dựa trên quy định luật pháp cùng sự thảo luận rất chặt chẽ và rõ ràng với cơ quan thuế, cơ quan quản lý của Việt Nam. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, tiền thuế Grab đã đóng là 140 tỉ đồng.
Ông Jerry Lim: Nếu muốn so sánh lượng thuế Grab đã nộp cho Nhà nước với thuế của các hãng taxi truyền thống thì phải cộng số thuế của Grab đã nộp với số thuế mà các đối tác của Grab (từ các đối tác tài xế đến các hợp tác xã, các công ty sở hữu xe) đã nộp mới ra đúng số thuế của dịch vụ đặt xe công nghệ nói chung nộp cho Nhà nước.
Đồng thời, theo cách tính thuế, nếu theo đúng luật, các công ty phát triển phần mềm sẽ luôn được mức thuế thấp hơn nhiều so với các công ty taxi.
Grab chỉ nhận được 20-25% phí mà người đi xe trả và chúng tôi chịu trách nhiệm nộp thuế cho phần doanh thu đó, không có khấu trừ các khấu hao tài sản (do Grab không sở hữu tài sản là xe tham gia vận hành).
Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi nhận được 100% chi phí này và được khấu trừ rất nhiều chi phí đi kèm. Ngoài ra, tuy Grab chỉ nhận được 20-25% chi phí của khách nhưng vẫn phải chi rất nhiều cho các hoạt động như tiếp thị, quảng bá lúc ban đầu.
Bà giải thích thế nào về chuyện Grab nói lỗ gần 1.000 tỉ đồng ở thị trường Việt Nam?
Bà Tan Hooi Ling: Bắt đầu từ năm 2014, chúng tôi là một công ty start-up (công ty khởi nghiệp), và tới thời điểm hiện tại, thực ra chúng tôi vẫn là công ty start-up mà thôi.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là chúng tôi may mắn vì nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khách hàng cũng như giới đầu tư nên mới phát triển mạnh và nhanh hơn so với một số công ty start-up khác.
Và khi nói tới công ty start-up thì giai đoạn đầu tiên luôn là giai đoạn cần đầu tư rất mạnh tay để hướng tới các lợi ích lâu dài, cho nên chuyện lỗ lớn là điều không tránh khỏi.
Theo TTO