Vì sao người dân mong muốn bỏ trạm BOT Bờ Đậu?

Thứ năm, 07/12/2017, 08:58
Trước quyết định dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu của ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, người dân nơi đây tỏ ra hết sức vui mừng. Theo lý giải của người dân, tuyến đường quốc lộ 3 có lịch sử lâu đời và hàng năm họ phải đóng phí bảo trì nên không thể để doanh nghiệp bỏ ra chút tiền sửa lại mặt đường và thu phí.

Bà Sang và rất nhiều người dân Thái Nguyên cũng như bạn đọc báo Dân trí tỏ ra vui mừng trước quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đề nghị Bộ GTVT xoá bỏ trạm BOT Bờ Đậu.

Dự án tuyến đường Thái Nguyên- Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 28km là một trong 7 dự án BOT đang bị Chính phủ thanh tra. Hiện trạm BOT này đã hoàn thành mọi công đoạn xây lắp trạm và chưa đi vào thu phí nhưng người dân địa phương và các tỉnh lân cận đã kịch liệt phản đối.

Trước những diễn biến phản đối trạm BOT Bờ Đậu nằm trên tuyến quốc lộ 3, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Bắc đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin rời trạm BOT, sự kiện này khiến người dân tỉnh Thái Nguyên vô cùng vui mừng, đặc biệt là người dân sống dọc quốc lộ 3.

Ông Phạm Đức Huy (xóm 8, xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên) chia sẻ: "Chúng tôi cũng đã đọc rất kỹ thông tin văn bản của Chủ tịch tỉnh gửi Bộ Giao thông vận tải, đây chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đó là tín hiệu vui không chỉ người dân hai bên đường quốc lộ 3 cũ mà rất nhiều người dân trong khu vực miền núi phía Bắc.

Quốc lộ 3 có ý nghĩa lịch sử lâu đời rồi chứ không phải do doanh nghiệp BOT xây dựng nên nó. Đường doanh nghiệp làm thì doanh nghiệp thu, còn tuyến quốc lộ 3 này do Nhà nước làm, hàng năm chúng tôi đều đóng thuế để bảo trì cho con đường ấy. Chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp BOT ngồi đối thoại với chúng tôi để làm rõ vấn đề này”.

Bà Phạm Thị Sang (xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên) cũng chia sẻ: “Nhà tôi sinh sống sát con đường này suốt bao nhiêu năm qua, chứng kiến bao đổi thay, con đường ấy cũng chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, suốt bao nhiêu năm người dân chúng tôi đang ổn định sinh sống, giao thông ngày càng phát triển lưu hành những chuyến hàng liên tiếp được di chuyển, các chuyến xe ùn ùn hàng ngày từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội để lưu thông kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục,… ngoài ra nó cũng là cơ hội để thổi làn gió mới vào những vùng sâu, vùng xa những nơi vẫn đang cần Nhà nước trợ cấp để có thể đổi thay.

Thế nhưng tự nhiên xuất hiện doanh nghiệp BOT về ngăn lại con đường của nhân dân và nhà nước đã bao đời nay góp sức xây dựng để thu tiền của người dân. Như thế là rất vô lý, tôi nghĩ, doanh nghiệp làm đường cho dân đi thì thu tiền đó là điều đương nhiên nhưng với con đường này là không thể và không nên vì nó sẽ làm hạn chế phát triển những nơi còn khó khăn và gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân”.

BOT Bờ Đậu xả trạm chờ lệnh "khai tử".

“Khi tôi nghe bà con thông báo lãnh đạo Thái Nguyên đã có công văn gửi cho Bộ Giao thông vận tải tháo dỡ, như thế là rất hợp lòng dân, đặt quyền lợi nhân dân lên trên tất cả. Tôi rất vui”, bà Sang nói

Bà Nguyên Thị Tin, một chủ doanh nghiệp vận tải trên địa bàn xã Phục Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, sự bất hợp lý này chính là vị trí đặt trạm không đúng vì lý do doanh nghiệp chưa đặt nhát cuốc nào để xây dựng đường.

Bà Tin cho biết thêm: “Tôi cùng hơn 1.000 hộ dân dọc hai bên QL3 cũ đoạn Thái Nguyên đã gửi kiến nghị đến các cấp phản ánh về việc đặt trạm BOT ở Bờ Đậu sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh các đơn vị vận tải và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Theo bà Tin, khi đọc báo thấy lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có công văn đề nghị xoá bỏ trạm BOT này rất hợp lòng người dân. Nếu doanh nghiệp làm đường cho chúng tôi đi, chúng tôi nộp tiền đó là điều dễ hiểu. Rất mong Bộ GTVT xem xét nhìn thấy được lợi ích của người dân chúng tôi.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan, chia sẻ: “Công ty mình có khoảng 30 xe hợp đồng và 5 tuyến xe buýt, trong đó có tuyến số 6 chạy thường xuyên trên cung đường thuộc dự án Thái Nguyên - Chợ Mới. Nếu trạm BOT đi vào hoạt động thì việc đầu tiên là ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì giá cước buộc phải tăng lên. Mà tuyến xe buýt số 06 phần lớn là người lao động và học sinh, sinh viên".

Ông Hà bày tỏ niềm vui trước quyết định của lãnh đạo tỉnh. Ông nói đó là quyết định hợp lý, hợp lòng dân, được dân tin yêu và ủng hộ.

Quốc lộ 3 là một trong 8 quốc lộ có điểm xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, có chiều dài khoảng 350,44 km và hơn 80 cây cầu, bắt đầu từ Cầu Đuống- Yên Viên- Hà Nội đến các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng qua Quảng Yên đến Cửa khẩu Tà Lùng biên giới Việt Trung.

7 dự án BOT bị thanh tra bao gồm: Đèo Phước Tượng- Phú Gia; Nâng cấp tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ; Xây dựng đường Hòa Lạc- Hòa Bình; Cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 (đoạn Xuân Mai- Hòa Bình); Khôi phục cải tạo quốc lộ 20 (Km 123+105 đến Km268); Nâng cấp quốc lộ 38 (đoạn Bắc Ninh và Hải Dương); Đầu tư xây dựng Dự án Thái Nguyên- Chợ Mới.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích