Con Cưng lên tiếng
Mới đây, Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) đã đăng lên website của mình thông báo về sản phẩm bị lỗi do khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) khiếu nại.
Theo Con Cưng, sản phẩm CF G127011 nằm trong lô hàng thuộc Hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10/11/2017 giữa Công ty Cổ phần Con Cưng và Nhà sản xuất WWW International Incorporated (Thailand) Co., Ltd, tại Thái Lan.
Sản phẩm được đặt hàng sản xuất với đầy đủ bộ nhãn mác CF (Concung Fashion) tại Thái Lan. Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy WWW International Incorporated, sau đó vận chuyển theo đường biển về Việt Nam, hàng được lưu tại tổng kho rồi phân phối đến hàng trăm cửa hàng của Con Cưng.
Cũng theo thông báo của Con Cưng, trong quá trình sản xuất, có một số nhãn hàng hóa không đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp này, chính vì vậy nhà sản xuất đã phải điều chỉnh.
Trong phần thông báo của mình trên website, Con Cưng cũng cho rằng, sản phẩm TiTiOne có tem nhãn “chồng” lên tem nhãn là do nhà cung cấp đổi tên công ty.
Theo đó, sản phẩm TiTiOne được cung cấp bởi Công ty TNHH G&C và kể từ ngày 24/01/2018, Công ty TNHH G&C đã đổi tên thành Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne.
Việc dán nhãn sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung cấp, bao gồm cả trường hợp dán nhãn theo tên của pháp nhân mới (Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne) chèn lên nhãn theo tên của pháp nhân cũ (Công ty TNHH G&C).
Con Cưng giải thích sản phẩm khách hàng Trương Đình Công Vĩnh mua bị lỗi là do nhà sản xuất Thái Lan |
Tiếp đó, ngày 28/7, Con Cưng tiếp tục có thông báo mới: "Tặng 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện nhập hàng không chính hãng".
Nội dung thông báo này nêu trong những ngày vừa qua, Con Cưng nhận được một số câu hỏi của khách hàng về thông tin sản phẩm, hàng hóa được bán tại hệ thống cửa hàng Con Cưng. Theo đó, bằng thông báo này, Con Cưng khẳng định, công ty có đầy đủ chứng từ, hóa đơn nhập hàng chính hãng của mọi nhãn hàng từ các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp.
Khách hàng có thể kiểm tra nội dung này thông qua việc liên hệ trực tiếp hoặc tra cứu thông tin trên website, Facebook của các nhà sản xuất, nhà cung cấp đang làm việc với Con Cưng.
Theo Con Cưng thì việc “nhãn chồng nhãn” trên sản phẩm là do công ty cung cấp mỹ phẩm đổi tên. |
Đổ lỗi và biện minh?
Nhận định về trả lời từ phía Con Cưng, luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM cho biết, nếu lỗi là do nhà sản xuất Thái Lan thì Con Cưng không dễ gì xử lý “nhẹ nhàng” với nhà sản xuất như vậy.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM |
Bởi, nếu là người bị thiệt thì Con Cưng sẽ lấy lại uy tín và quyền lợi của mình bằng cách truy vấn, tố cáo nhà sản xuất, thậm chí là khởi kiện. Các thông tin cụ thể về lỗi của nhà sản xuất sẽ được Con Cưng công khai, minh bạch trước người tiêu dùng để lấy lại niềm tin từ khách hàng.
Theo bà Thu, Con Cưng chi tiền ra để nhập hàng của doanh nghiệp Thái Lan vào kho thì phải có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Thế nhưng, khâu kiểm tra, kiểm soát sản phẩm lại sơ sài. Đến khi khách hàng phát hiện sản phẩm bị lỗi lại đổ hết cho nhà cung cấp Thái Lan. Vậy trách nhiệm khâu kiểm tra, kiểm soát hàng hóa của Con Cưng nằm ở đâu?
“Con Cưng cho rằng đây là lỗi của nhà sản xuất mà họ không biết và thu hồi những sản phẩm đã bán. Tôi thấy đây là hành động mà người tiêu dùng không chấp nhận và không tin vào những gì họ biện minh”, bà Thu nói.
Việc “nhãn chồng nhãn” sẽ khiến người tiêu dùng nghi ngại khi có ý định mua hàng. |
Về việc hàng hóa có tình trạng “nhãn chồng nhãn”, luật gia Phan Thị Việt Thu chia sẻ, nếu chỉ có một cái văn bản thể hiện Công ty TNHH G&C đã đổi tên thành Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne thì chưa thể chứng minh được điều gì. Bởi, việc thay đổi tên công ty cần có một quy trình thủ tục theo trình tự và doanh nghiệp phải chứng minh là họ đã trải qua các quy trình này. Một tờ văn bản thông báo thay đổi tên công ty đơn giản từ phía doanh nghiệp như vậy sẽ chưa thể hiện được đầy đủ về mặt pháp lý
“Chỉ riêng việc nhãn chồng lên nhãn cũng khiến người tiêu dùng cảnh giác với nhà sản xuất. Chưa tính đến việc những thương hiệu này có uy tín hay không, vì lý do gì mà họ dán thương hiệu này chồng lên thương hiệu khác… nhưng việc dán tem nhãn như vậy đã là không đúng quy định về tem nhãn, xuất xứ hàng hóa rồi. Sự việc này thì không thể biện minh vì lý do gì được hết”, bà Thu nói.
Vị đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM cũng cho rằng, đã đến lúc các cơ quan nhà nước phải có biện pháp răn đe đủ mạnh, bởi đây không phải là trường hợp hiếm hoi mà đã nhiều lần xảy ra trường hợp tương tự. Việt Nam có thể vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm ăn “ẩu” nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại hàng loạt cửa hàng của Con Cưng và phát hiện nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Các sản phẩm này đã bị tạm giữ để làm rõ. |
Liên quan đến vụ việc này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho biết chưa thể quy trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị nào. QLTT đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để đi đến kết luận.
Vấn đề trước mắt của Con Cưng là chưa làm đúng quy định về nhãn phụ. Những vấn đề khác vẫn đang được tiếp tục làm rõ. Từ kết luận vụ việc mới có thể xác định lỗi thuộc về khâu nào: nhà sản xuất, nhà phân phối hay phía quản lý của hệ thống Con Cưng.
Theo Dân Trí