|
Những ngày gần đây, cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nhiều lần lên tiếng và hồi đầu tuần này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã lộ diện, trực tiếp chia sẻ với báo chí.
Đáng chú ý trong cuộc nói chuyện hiếm hoi này, ông Vũ có nhắc tới chuyện bà Thảo giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần của công ty ở Singapore là Trung Nguyên International với giá 1 đô la.
Trên thực tế ông Vũ đã đưa vụ việc này ra Toà án tối cao Singapore. Dưới đây là chi tiết hồ sơ vụ kiện được chúng tôi lược dịch lại theo tài liệu lưu tại website SingaporeLaw.sg của Học viện tư pháp Singapore - một cơ quan đóng vai trò xúc tiến và phát triển ngành tư pháp tại quốc đảo này. Trang web này lưu trữ công khai các phán quyết của Tòa án Singapore từ năm 2000 tới nay.
Bối cảnh vụ kiện
Nguyên đơn: Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Phía văn bản của toà án Singapore có ghi rõ, nguyên đơn là doanh nghiệp sản xuất, chế biến và phân phối cà phê.
Bị đơn: Công ty TNHH TNI (Trung Nguyên International) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ của nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Trung Nguyen International (Singapore). Văn bản của toà án ghi rõ, công ty này được thành lập năm 2008 chuyên cung cấp các sản phẩm cà phê của phía nguyên đơn cho thị trường quốc tế.
Nội dung khiếu nại của phía nguyên đơn
Trung tâm của hành động này là tranh chấp về cổ phần do bà Thảo nắm giữ tại Trung Nguyên International sau một hành động chuyển giao vào ngày 15/7/2015.
Trong đơn kiện gửi lần thứ 2 ngày 29/3/2016, nguyên đơn đã kiện Trung Nguyên International và bà Thảo với 3 cáo buộc chính:
1. Chuyển giao trái phép và gian lận 7.520.800 cổ phiếu của nguyên đơn tại Trung Nguyên International sang bà Thảo vào tháng 7/2015.
Cổ phiếu của Trung Nguyên International do bà Thảo nắm giữ khi công ty này được thành lập lần đầu vào tháng 4/2008. Vào ngày 11/1/2011, bà Thảo đã đồng ý chuyển nhượng số cổ phần của mình cho nguyên đơn là ông Vũ với số tiền 372.000 USD. Vụ chuyển nhượng đã được hoàn tất vào ngày 23/1/2013, kết quả là ông Vũ nắm giữ 520.800 cổ phần phổ thông. Đến tháng 8 năm 2014, số cổ phần này đã được tăng lên 7.520.800 cổ phiếu, với ông Vũ là cổ đông duy nhất.
Ngày 10/7/2015, một văn bản chuyển nhượng cổ phần được nộp cho Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA) thực hiện việc chuyển giao 7.520.800 cổ phần phổ thông kể trên cho bà Thảo. Tuy nhiên, hành động này bị phía nguyên đơn cáo buộc là gian lận.
Vào ngày 8/7/2015, bà Thảo, từ Singapore đã gửi một mẫu chuyển nhượng trống cho một bị cáo thứ tư, tên Lê Thị Cẩm Tú ở Việt Nam yêu cầu đóng dấu của phía nguyên đơn mà không có quyền của nguyên đơn, trên văn bản chuyển nhượng cổ phiếu trống. Bị đơn Tú sau đó chuyển mẫu chuyển giao cổ phần này đến bà Thảo trong một phong bì dán kín.
Cũng theo đơn tố cáo, phía nguyên đơn khẳng định bị đơn thứ ba, tên Đoàn Thị Ánh Tuyết đã ký vào mẫu chuyển nhượng kể trên, phần nhân chứng, mặc dù bà này thừa nhận rằng không đích thân nhìn thấy ông Vũ ký vào mẫu chuyển nhượng.
Phía nguyên đơn khẳng định, chữ ký trên văn bản chuyển nhượng trống đó là giả mạo và nó được thực hiện trong khoảng từ ngày 8/7 đến ngày 10/7/2015. Người bị cho là làm giả chữ ký được thực hiện bởi bị đơn Thảo và / hoặc Tú và / hoặc Tuyết.
2. Trung Nguyên International vi phạm hợp đồng với nguyên đơn, gây thất thu một lượng tiền lớn cho phía nguyên đơn.
Nguyên đơn kiện về một thoả thuận gồm 13 điều khoản gọi là Hiệp định cung cấp đã tồn tại với phía bị đơn về việc cung cấp và kinh doanh cà phê hoà tan. Theo nguyên đơn, Hiệp định cung cấp được thực hiện đúng theo các điều khoản của nó cho đến khoảng tháng 9/2015. Từ tháng 9 đến tháng 11/2015, các bị đơn Thảo, Tú, Tuyết, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên và / hoặc Trung Nguyên International bị cáo buộc vi phạm thoả thuận gây ra thiệt hại khoảng 9,4 triệu USD cho phía nguyên đơn.
Bà Thảo cũng bị cáo buộc là người yêu cầu Trung Nguyen International ngừng gửi báo cáo tài chính và các tài liệu khác cho nguyên đơn theo Thỏa thuận cung cấp. Hơn nữa, bà Thảo và các bị đơn khác đã tự ý thay thế CTCP cà phê hoà tan Trung Nguyên là đơn vị vận chuyển sản phẩm cà phê hòa tan khiến nguyên đơn không thể gửi các tài liệu cần thiết cho cơ quan chức năng Việt Nam hoàn thuế thông thường.
3. Có hành động trộm cắp 15 con dấu của phía nguyên đơn (và các công ty con, công ty liên kết) và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 16/10/2015.
Nguyên đơn cáo buộc vào ngày 16/10/2015, bà Thảo, Tú, Vân và hai người nữa chưa được xác định đã đột nhập vào trụ sở văn phòng của nguyên đơn tại Việt Nam và lấy cắp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu của nguyên đơn và các công ty liên kết, bao gồm cả Nhà máy cà phê Sài Gòn.
Theo nguyên đơn, bà Thảo đã sử dụng sai mục đích những con dấu bị đánh cắp này để bổ nhiệm mình làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc của cả Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - cổ đông nắm giữ 70% cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên.
Hơn nữa, bà Thảo đã sử dụng con dấu của CTCP cà phê hoà tan Trung Nguyên để phá vỡ hoạt động kinh doanh tại đây bằng cách tự ý cho đóng cửa hai nhà máy từ ngày 9/12 tháng 11/2015 và vào tháng 3/2016, cấm nhân viên chủ chốt ra vào vào nhà máy và cản trở việc giao hàng.
Với 3 cáo buộc kể trên, phía nguyên đơn là ông Vũ yêu cầu được bồi thường, bao gồm giá trị cổ phần đã được giao dịch, số tiền chuyển sai sang cho Công ty TNHH TNI (Trung Nguyen International) và số tiền mà họ có thể yêu cầu hoàn thuế. Ông cũng đề nghị bồi hoàn cho những thiệt hại liên quan đến sản xuất kinh doanh gây ra bởi những sai phạm mà ông cáo buộc bà Thảo.
Kết luận của toà án
Phía Toà án Tối cáo Singapore kết luận do vụ kiện có quá nhiều tình tiết liên quan tới Việt Nam, cả nguyên đơn và bị đơn (trừ một bị đơn tên Tuyết được cho là thường trú nhân Singapore) đều là người Việt Nam.
Ngoài ra, thời điểm này tại Việt Nam giữa ông Vũ và bà Thảo cũng đang diễn ra rất nhiều tranh chấp, kiện tụng bao gồm cả thủ tục ly hôn giữa hai người.
Nếu phía Singapore tiếp tục xử lý vụ án, nhiều khả năng sẽ xảy ra mẫu thuẫn với quá trình thu thập chứng cứ, điều tra và kết luận đang diễn ra tại Việt Nam.
Tuy nhiên do một trong hai bị đơn là một công ty Singapore (Công ty TNHH Trung Nguyen International) và luật pháp Việt Nam sẽ không có thẩm quyền với công ty này nên Toà án tối cáo Singapore quyết định sẽ bảo lưu hồ sơ vụ kiện.
Tranh chấp sẽ được toà xử lại phụ thuộc vào kết quả tố tụng tại tòa Việt Nam liên quan tới nguyên đơn - là ông Vũ và bất kỳ bị đơn nào trong đơn kiện kể trên, gồm cả bà Thảo.
Cuối cùng, để hỗ trợ các thủ tục tố tụng tại Việt Nam và bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn tại Trung Nguyen International, Toà án tối cáo Singapore đã ban bố lệnh hạn chế bà Thảo xử lý, giao dịch số cổ phần đang nắm giữ tại Trung Nguyen International cho tới khi có kết quả tố tụng tại Việt Nam.
Theo Tri Thức Trẻ