Trong bài viết đăng tải trên Yahoo Finance, ông Rick Newman cho rằng gia tăng tiết kiệm có thể giúp Mỹ giành chiến thắng trong xung đột thương mại, và vấn đề của cuộc xung đột này không thực sự nằm ở thâm hụt thương mại của Mỹ so với Trung Quốc.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, với trị giá 552 tỷ USD vào năm 2017. Thâm hụt so với Trung Quốc được đặc biệt xem xét vì nước này chiếm phần lớn khoản thâm hụt của Mỹ so với thế giới. Năm 2017, người Mỹ mua 524 tỷ USD hàng Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc chỉ mua 188 tỷ USD hàng và dịch vụ Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc như vậy là 336 tỷ USD.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP) |
Theo Rick Newman, phần lớn các nhà kinh tế học nói vốn dĩ không có gì thực sự sai trái với một khoản thâm hụt thương mại. Người Mỹ dùng dollar mua những gì họ muốn, người nước ngoài có được số dollar đó để đầu tư – thường là vào những tài sản của Mỹ như cơ quan tài chính hoặc công ty an ninh. Nhưng Tổng thống Trump dường như lại có quan điểm khác, và ưu tiên giảm thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc và một số nước.
“Chúng ta được lợi từ thương mại” – nhà kinh tế học Desmond Lachman tại Viện doanh nhân Mỹ, đồng thời là cựu phó giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế IMF nói. “Vấn đề là những người xung quanh ông Trump nói với ông ấy thương mại là một trò chơi tổng bằng không, nghĩa là nếu bạn thắng thì ai đó phải thua.”
Vì vậy Tổng thống Trump đã áp thuế lên khoảng 52 tỷ USD hàng Trung Quốc, đe dọa đánh thuế thêm 400 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Nếu ông Trump cho rằng đánh thuế hàng Trung Quốc để khiến chúng đắt đỏ hơn sẽ buộc người Mỹ phải mua nhiều hàng Mỹ và lôi kéo các nhà sản xuất đến Mỹ thì đó không phải cách thương mại hoạt động, theo Rick Newman. “Ông ấy có khả năng lớn sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào trong số đó” – nhà kinh tế học Douglas A. Irwin viết. “Các chính sách của ông ấy có khả năng sẽ trở thành những thử nghiệm mệt mỏi.”
Bên cạnh đó, có những cách giảm thâm hụt thương mại nhưng Tổng thống Mỹ không theo đuổi. Thâm hụt thương mại tồn tại vì Mỹ đang chi nhiều hơn những gì họ sản xuất được, dẫn đến phải mua hàng hóa nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thương mại khá phức tạp, nhưng nhìn chung những nước có tỷ lệ tiết kiệm thấp có xu hướng có thâm hụt thương mại lớn, trong khi những nước tiết kiệm nhiều – như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản – thì có phần dư thừa.
Theo Rick Newman, trong một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng như Mỹ, mua ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn nghe có vẻ không hợp lý. Nhưng tiền tiết kiệm thường sẽ trở thành các khoản đầu tư, thu hút những hoạt động kinh tế và nếu làm đúng cách sẽ tạo ra những kết quả tích cực giúp các giá trị tăng lên.
Trong khi đó Trung Quốc sở hữu một trong những tỷ lệ tiết kiệm cao nhất. IMF đã vận động Trung Quốc áp dụng các chính sách khuyến khích giảm tiết kiệm và tăng tiêu dùng để giảm bớt những sự bất cân bằng như thặng dư thương mại khổng lồ của nước này so với thế giới.
Còn chính sách của Tổng thống Trump, ngược lại có thể đẩy thâm hụt thương mại lên cao hơn vì những chương trình giảm thuế và tăng chi tiêu mà ông phê duyệt sẽ khiến tiết kiệm ngân sách quốc gia ít đi, chuyên gia nhận định.
Theo VTC