Doanh nghiệp từ chối nhận phế liệu, nguy cơ "kẹt" cảng

Thứ bảy, 11/08/2018, 09:20
Lực lượng hải quan đang ráo riết phối hợp với các đơn vị xác minh các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để giải phóng hàng ngàn container đang tồn đọng tại các cảng biển. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất ngờ từ chối nhận hàng.

Cảng Cát Lái đang ùn tắc nghiêm trọng vì hơn 3.500 container phế liệu chưa được giải phóng.

Từ chối hàng trăm container phế liệu

Sau khi Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp vận hành cảng biển siết quản lý phế liệu nhập khẩu, đến nay hầu như các cảng biển không còn nhập phế liệu nhựa, chỉ còn nhập phế liệu giấy để phục vụ sản xuất.

Cục Hải quan 3 tỉnh, thành phố có hoạt động nhập khẩu phế liệu nhiều nhất là TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) rà soát, xử lý lượng phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển. Riêng tại các cảng biển khu vực thành phố Hải Phòng đang tồn đọng hơn 1.400 container phế liệu.

Còn tại cảng Cát Lái, bà Phạm Thị Lèo, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Chi cục 1, thuộc Cục Hải quan TP.HCM) cho hay, tính đến 10/8 tại cảng đang tồn đọng 3.516 container hàng phế liệu. Để tránh ùn ứ tại cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã có thông báo số 930 gửi đến các hãng tàu, khách hàng về việc ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu (NK) từ 10/6 đến 30/9/2018. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Đối với các container hàng tồn đọng trên 30 ngày không có người đến làm thủ tục, theo bà Lèo, chi cục 1 đã mời nhà NK trên E-Manifest (tờ khai hải quan điện tử) đến để yêu cầu làm thủ tục NK hoặc tái xuất lô hàng (nếu không đủ điều kiện NK). Đến nay, đã có một số nhà NK có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (GXN) đến làm việc và làm thủ tục hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp (DN) không đến làm việc, do đó chi cục đang tiến hành xác minh địa chỉ DN để xác định chủ sở hữu các container tồn đọng này.

Ông Võ Thế Hưng, Tổ trưởng Tổ Kiểm soát Hải quan (thuộc Chi cục 1) cho biết, đến nay, chi cục đã gửi giấy mời các doanh nghiệp có tên trên vận đơn hàng hóa lên làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp trả lời các lô hàng đó không thuộc sở hữu của họ hoặc doanh nghiệp đang chờ xin được GXN mới để lên làm thủ tục.

Một số trường hợp DN sau khi chi cục 1 liên hệ xác minh, họ đã từ chối nhận hàng. Đơn cử như trường hợp của Cty TNHH MTV H. Q. C. H. (huyện Cẩm Giàng, Hưng Yên). Theo ông Hưng, qua rà soát của chi cục, từ tháng 2 đến tháng 5/2018, công ty này đứng tên trên vận đơn NK 437 container phế liệu nhựa về cảng Cát Lái. Tuy nhiên, khi hải quan gửi công văn yêu cầu DN đến làm việc về số phế liệu NK nêu trên, DN đã có công văn gửi hải quan và hãng tàu từ chối nhận số container phế liệu nhựa với lý do người xuất hàng gửi nhầm cho DN.

Đại diện DN này cho rằng, không ký hợp đồng mua lô hàng trên từ người xuất khẩu, do vậy các container hàng này không thuộc quyền sở hữu của công ty. DN này yêu cầu đại lý hãng tàu thông báo cho người gửi và cơ quan hữu quan biết việc từ chối nhận hàng của DN này.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ XNK V.N. (huyện Đức Hòa, Long An) cũng từ chối nhận 255 container phế liệu nhựa nhập khẩu đang nằm tại cảng Cát Lái, mặc dù trên các vận đơn gửi hàng đều thể hiện người nhận là công ty này.

Công ty Môi trường Công nghiệp M.P.(tỉnh Bắc Ninh) từ chối nhận 68 container phế liệu nhựa; một DN huyện Bến Cầu- Tây Ninh từ chối nhận 29 container phế liệu nhựa đã cập cảng nhiều tháng nay…

Chuyển hàng gây ô nhiễm ra khỏi Việt Nam

Theo ông Võ Thế Hưng, kẽ hở trước đây khiến các DN NK phế liệu về nhiều do hệ thống luật pháp cho phép DN khi đến làm thủ tục thông quan hàng hóa có thời hạn 30 ngày để bổ sung GXN. Tuy nhiên, trước thực trạng phế liệu ồ ạt nhập về, Bộ TN&MT và Bộ Tài chính đã siết chặt hoạt động NK này, do đó nhiều DN có GXN nhưng đã hết hạn, không còn hiệu lực làm thủ tục hải quan. Thậm chí, có một số nhà NK không có GXN nhưng vẫn liên hệ với các hãng tàu dùng danh nghĩa, GXN của các DN khác để đóng hàng về Việt Nam. Điển hình như mới đây, một công ty nhựa đã gửi công văn kêu cứu gửi chi cục và các hãng tàu do bị người khác sử dụng tên của công ty để hàng được dỡ xuống cảng.

“Một số DN ở tít ngoài Bắc vẫn đăng ký làm thủ tục NK phế liệu tại Cát Lái. Khi hải quan gửi giấy mời họ bằng thư bảo đảm đến làm việc mới phát hiện DN đăng ký địa chỉ không đúng với thực tế hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật. Thậm chí, việc cấp phép thành lập DN khá đơn giản theo hướng tạo thuận lợi tối đa hiện nay của các sở, ngành cũng tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lợi dụng tư cách pháp nhân của những người không quen biết để đăng ký thành lập DN. Khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra xác minh mới hay DN không có thật (còn gọi là doanh nghiệp ma)”, ông Hưng cho biết thêm.

Với trường hợp các container không có người nhận, Chi cục phó Chi cục 1 Phạm Thị Lèo cho biết, đơn vị đang phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phân loại. Sau đó, nếu xác định là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường (phế thải, rác thải), chi cục sẽ yêu cầu chủ hàng, chủ phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển số hàng hóa gây ô nhiễm này ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý môi trường trong hoạt động NK và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ TN&MT, Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; kiểm soát chặt việc NK phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích