|
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi. |
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi trao đổi với VnExpress về tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến Việt Nam và xu hướng quan hệ Việt - Trung gần đây.
Đại sứ đánh giá chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Cọ xát thương mại hay thực chất chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã xảy ra. Do đây là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới nên tác động đến cả kinh tế toàn cầu và khu vực, trong đó có Việt Nam. Cá nhân tôi nhận thấy đã bắt đầu có ảnh hưởng, ví dụ tỷ giá của Việt Nam có thay đổi, tốc độ xuất khẩu vào Mỹ giảm sút.
Hiện ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam chưa nhiều, vì các mặt hàng Mỹ và Trung Quốc đánh thuế lẫn nhau không phải hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu. Nhưng về lâu dài cuộc chiến sẽ ảnh hưởng lớn vì đây là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và nước ta là nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế bên ngoài.
Mỹ, Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP vượt 1.000 tỷ USD. Trung Quốc 14 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Mỹ trong nhiều năm là đối tác lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam, quy mô thương mại của Việt Nam đứng thứ 12 với Mỹ, là nước xuất siêu lớn thứ 5 vào Mỹ. |
Tung Quốc đang bước vào cải cách mở cửa lần hai, 2018 là năm kỷ niệm 40 năm Trung Quốc mở cửa. 40 năm trước Trung Quốc chủ yếu tập trung vào số lượng, phát triển theo chiều rộng, có rất nhiều thành tựu to lớn nhưng cũng có những vấn đề như ô nhiễm, sản xuất dư thừa, cơ cấu sản xuất không hợp lý, chất lượng chưa cao. Trong 40 năm tiếp theo, Trung Quốc phải thay đổi phương thức phát triển, chú trọng tăng trưởng chất lượng, không đi vào số lượng. Trong khi Trung Quốc đang thực hiện các cải cách thì vấp phải chiến tranh thương mại với Mỹ, tác động rất mạnh mẽ đến nền kinh tế.r
Cuộc chiến này đánh chủ yếu vào các mặt hàng xuất khẩu, vào ngành chế tạo của Trung Quốc, khiến một lượng lớn lao động có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí mất việc làm. Có thể chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ tác động điều chỉnh phương thức phát triển mà Trung Quốc mong muốn.
Bên cạnh việc nêu các quan ngại, áp dụng các biện pháp trả đũa tương đồng với Mỹ, Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ thể chế thương mại hiện nay, ủng hộ tự do thương mại và phản đối chủ nghĩa bảo hộ. Trung Quốc chắc chắn sẽ điều chỉnh chính sách xuất khẩu và nhập khẩu với các nước khác. Tôi nghĩ chỉ thêm vài tháng nữa thôi, đến cuối năm chúng ta sẽ nhìn nhận rõ Trung Quốc và Mỹ sẽ thay đổi thế nào và kinh tế thế giới thay đổi ra sao.
Việt Nam cần lưu ý những gì?
Chiến tranh thương mại sẽ còn diễn biến rất phức tạp, có thể có lúc tăng lên và có lúc dịu đi, nhưng nó sẽ kéo dài, không chỉ là một hai năm. Đây không chỉ là vấn đề thâm hụt thương mại, mà còn là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc một số nhà kinh tế Việt Nam, thậm chí có doanh nghiệp Việt cảm giác rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu vào hai nước này chưa thực sự chính xác.
Lúc này chúng ta phải bình tĩnh theo dõi, đánh giá toàn diện tình hình, phải thay đổi thói quen và tập quán làm ăn buôn bán kinh doanh của mình. Việt Nam cần phải tự chủ sản xuất để tiêu thụ trong nước, chú trọng thị trường trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thị trường 100 triệu dân là điều kiện rất tốt, không phải nước nào cũng có được.
Chúng ta phải cân bằng hơn, vừa vẫn đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cũng tăng lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước. Càng chạy theo số lượng xuất khẩu, chúng ta hướng xuất siêu sang nước khác thì lại càng trở thành đối tượng bị dè chừng và nghi ngại. Không nên nêu thành tích xuất khẩu được bao nhiêu nữa, mà quan trọng GDP đầu người bao nhiêu, kinh tế tăng lên thế nào. Tôi muốn nói đến sản xuất tự chủ chứ không phải gia công lắp ráp cho các nước khác. Đây là cơ hội buộc chúng ta phải thay đổi phương thức phát triển kinh tế.
Sẽ có sự dịch chuyển đầu tư của các nước, sẽ có luồng đầu tư của Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam, lần này không phải là công nghệ thấp, mà là công nghệ cao. Vấn đề là Việt Nam có đủ nhân lực, có chủ trương chính sách thông thoáng để đón nhận hay không.
Ông đánh giá gì về lo ngại Việt Nam là nơi nhận đầu tư công nghệ lạc hậu, ô nhiễm của Trung Quốc?
Chúng ta luôn hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhưng không phải bằng mọi giá. Hiện Việt Nam đang quan tâm hơn đến việc loại bỏ đầu tư chất lượng thấp, ô nhiễm và sản xuất dư thừa. Việc tiếp nhận doanh nghiệp nước ngoài nào vào đầu tư, lĩnh vực nào là quyền của Việt Nam, nếu có công nghệ lạc hậu vào thì đó là trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền địa phương.
Vốn đầu tư nước ngoài chạy khắp nơi trên thế giới, nơi nào thuận thì họ đổ vào rất nhanh, nơi nào khó thì họ cũng rút rất nhanh. Chúng ta không thể nói rằng người ta cố tình đưa công nghệ lạc hậu, đưa ô nhiễm sang Việt Nam, vì bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong có lợi nhuận cao nhất. Vấn đề là luật pháp, các bộ ngành của chúng ta phải chặt chẽ. Việc giám sát của báo chí và người dân cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến thực tế là nền kinh tế chưa đáp ứng được công nghệ cao, nếu đưa ra tiêu chuẩn quá cao thì kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ tiêu chuẩn khí thải ôtô cao thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phá sản. Đây là bài toán trong việc phát triển hài hòa với môi trường. Tôi cho rằng mỗi thời kỳ Việt Nam sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Về chính trị, ngoại giao, hợp tác Việt - Trung có điểm gì nổi bật sau ba năm ông làm Đại sứ?
Quan hệ hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, điều tôi tâm đắc nhất là giao lưu ở cấp cao của hai bên rất sôi động, hầu như năm nào cũng có lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đến Việt Nam. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2015 và 2017 đã có hai chuyến thăm chính thức Việt Nam, đây có lẽ là điều hiếm thấy trong các nhiệm kỳ của tổng bí thư và chủ tịch nước khác của Trung Quốc. Điều đó cho thấy Việt Nam và Trung Quốc ngày càng coi trọng quan hệ của nhau, góp phần tăng cường giải quyết các vướng mắc còn tồn tại.
Việt Nam là một trong những nước ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao láng giềng và trong chính sách với ASEAN. Trước đây Trung Quốc chú trọng quan hệ với các nước lớn nhưng gần đây Bắc Kinh lại đặt quan hệ với các nước láng giềng lên ngang tầm với các nước lớn, bởi Trung Quốc vẫn là một nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Việt Nam là một thành viên quan trọng của khu vực, đóng góp trong việc duy trì hòa bình và phát triển kinh tế chung.
Sau Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình năm 2017 đã chọn Việt Nam làm nước đầu tiên để đi thăm. Trong các cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất với Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh quan hệ hai nước không phải là quan hệ song phương đơn thuần, mà là cặp quan hệ quan trọng mang tầm chiến lược.
Một điều nữa đáng mừng là hợp tác kinh tế giữa hai nước có tiến triển tích cực hơn. Trong những năm gần đây xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc tăng nhanh hơn nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhập siêu còn lớn nhưng quy mô đã giảm.
Ông từng bày tỏ lo ngại về sự nghi kỵ của người dân hai nước, tình hình hiện nay ra sao?
Việc nhân dân hai nước thiếu sự tin cậy lẫn nhau là thực tế khách quan, do nguyên nhân lịch sử và trực tiếp từ căng thẳng ở Biển Đông. Tôi nhận thấy giao lưu nhân dân giữa hai nước đang được mở rộng, người Trung Quốc ngày càng quan tâm và tìm hiểu Việt Nam hơn. Có một con số đáng chú ý là Việt Nam là điểm đến thứ hai của du khách Trung Quốc trong ASEAN, sau Thái Lan, còn Việt Nam có lượng du khách đến Trung Quốc lớn nhất ASEAN.
Ông đánh giá thế nào về lo ngại Việt Nam phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, làm giảm mục tiêu bảo vệ chủ quyền?
Trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn làm hết sức để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, đây là ưu tiên không bao giờ thay đổi.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 100 tỷ USD. Việt Nam hai năm gần đây là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đứng thứ 7, thứ 8 trên toàn thế giới, cao hơn thương mại của Trung Quốc với Nga, của Trung Quốc và EU, vượt tổng số thương mại của Trung Quốc với các nước Trung - Đông Âu. Ba năm gần đây xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc tăng nhanh vì có một số mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập, bớt sản xuất trong nước. Điều đó cho thấy rõ Việt Nam và Trung Quốc đều cần tăng quan hệ với nhau. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng nếu kinh tế Việt Nam vững chắc, có nội lực, sẽ củng cố được sự tự chủ.
Bất kỳ một nước nhỏ nào ở cạnh một nước lớn đều gặp vấn đề như nhau, đều có thách thức to lớn và cơ hội cũng rất lớn. Vấn đề là chúng ta lựa chọn thế nào và xử lý làm sao để cân bằng, đem lại lợi ích lớn nhất cho mình. Về vấn đề chủ quyền, chúng ta có nhiều bài học mà những thế hệ trước để lại.
Điều tôi luôn tâm đắc là Việt Nam tuy là nước nhỏ nhưng không bé. Chúng ta luôn kiên định lập trường, với bất cứ nước nào, dù là khi bình thường hay lúc sóng to gió lớn. Nếu chúng ta cảm thấy mục tiêu của mình đúng, con đường mình chọn là đúng thì dù phong ba bão táp vẫn kiên trì đi tới cùng. Các nước tôn trọng Việt Nam vì chúng ta kiên trì, không thay đổi lập trường đúng đắn của mình.
Việt Nam trao đổi với Trung Quốc như thế nào về các vấn đề ở Biển Đông, bao gồm cải tạo và quân sự hóa?
Chúng ta nêu vấn đề Biển Đông ở tất cả các cấp khi trao đổi với Trung Quốc, từ chuyên viên, chuyên gia, đoàn đàm phán, phiên họp thường niên và giữa các lãnh đạo cấp cao. Việt Nam luôn duy trì các kênh đàm phán với Trung Quốc, kể cả khi quan hệ hai bên gặp khó khăn hay trên biển có sự việc này sự việc khác.
Chúng ta cũng thường xuyên nêu vấn đề tôn tạo, quân sự hóa ở Biển Đông với Trung Quốc, đồng thời thường xuyên nêu quan ngại về vấn đề này với các nước liên quan và tại các diễn đàn đa phương.
Trong tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam là nước có đường lối chủ trương rõ ràng, nhất quán và kiên định nhất. Chúng ta không bao giờ nghiêng về nước này hay nước khác, không đi với nước này để chống nước khác. Chỉ có lợi ích duy nhất là lợi ích của quốc gia dân tộc, tất cả các động thái ngoại giao song phương và đa phương của Việt Nam đều xuất phát từ chủ trương này. Nghị quyết Đại hội 12 của Việt Nam đã nêu rõ chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, xem xét giải quyết hài hòa, duy trì môi trường hòa bình, ổn định.
Theo VNE