VinaCapital lên tiếng vụ Công ty Ba Huân muốn “chia tay”

Thứ ba, 07/08/2018, 16:37
Đại diện của VinaCapital cho biết họ đã có cuộc gặp với Công ty Ba Huân ngay sau khi có thông tin trên báo chí...

Vinacapital lên tiếng việc Công ty Ba Huân muốn chấm dứt hợp tác.

Như PV đã đưa tin, sau gần nửa năm nhận khoản đầu tư 32,5 triệu USD từ VinaCapital, Công ty Cổ phần Ba Huân vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng, nhờ hỗ trợ để có thể chấm dứt hợp tác với Vinacapital.

Về vấn đề này, trao đổi với VnEconomy, đại diện của VinaCapital cho biết họ đã có cuộc gặp với Công ty Ba Huân ngay sau khi có thông tin trên báo chí. Hai bên đã đi đến thống nhất chưa đưa các thông tin có thể gây bất lợi cho đối tác.

Cũng theo phía VinaCapital, trước khi ký kết thỏa thuận chính thức vào tháng 2/2018, hai bên đã có quá trình thương lượng nhiều tháng trước đó.

Thông thường, đối với các khoản đầu tư giá trị lớn, sẽ trải qua một quy trình đầu tư rất chặt chẽ bao gồm việc gặp gỡ ban điều hành của doanh nghiệp, đi thăm tất cả các cơ sở vật chất liên quan, tìm hiểu sơ bộ về tình hình kinh doanh để xin chấp thuận chủ trương đầu tư của quỹ mà họ đại diện làm cơ sở ký kết biên bản ghi nhớ bao gồm các điều khoản đầu tư quan trọng nhất với sự đồng ý của các bên. Chỉ riêng phần này đã kéo dài ít nhất khoảng 2 tháng.

Sau khi được chấp thuận của Hội đồng đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ về việc đầu tư, các bước tiếp theo sẽ có sự tham gia của các đơn vi tư vấn chuyên nghiệp như kiểm toán, luật, thuế… để thẩm định chi tiết doanh nghiệp, quá trình này kéo dài từ 3 - 4 tháng.

Khi quá trình này hoàn tất, phần tiếp theo sẽ là việc thương lượng, soạn thảo hợp đồng đầu tư chính thức trong đó bao gồm chi tiết các điều kiện giải ngân vốn đầu tư mà doanh nghiệp cam kết thực hiện, thời gian này cũng kéo dài ít nhất 1 tháng với hàng loạt trao đổi giữa các luật sư, đơn vị tư vấn do các bên chỉ định.

Như vậy, quá trình thực hiện một giao dịch đầu tư - từ khi chính thức tham gia cho đến khi hoàn tất (ký hợp đồng chính thức/giải ngân vốn) chưa bao giờ kéo dài dưới 6 tháng.

Ngày 27/2/2018, VinaCapital đưa ra thông cáo báo chí về việc rót vốn vào Ba Huân và thông qua việc đầu tư này để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, VinaCapital cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị theo đúng tỷ lệ góp vốn nhưng thông thường không tham gia vận hành công việc kinh doanh thường nhật như một số quỹ Private Equity đang hoạt động tại Việt Nam.

Phía Công ty Ba Huân cũng đã gửi các công văn liên quan đến giao dịch đầu tư này và được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM chấp thuận ngày 13/2/2018.

Sau đó, giấy phép đăng ký kinh doanh của Ba Huân đã được sửa đổi, vốn điều lệ của công ty đã được điều chỉnh tăng từ 222,36 tỷ đồng lên mức 280,69 tỷ đồng. Cổ đông nước ngoài Hawke Investment Pte.Ltd - thành viên của VOF do VinaCapital quản lý cũng tăng tỷ lệ nắm giữ lên mức 33,77% tương đương 9,48 triệu cổ phần.

Liên quan đến phản ánh của Công ty Ba Huân về việc trong văn bản tiếng Anh, VinaCapital đã tự đưa tỷ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên 22%, phía Vinacapital từ chối bình luận và cho biết: "Hai bên sẽ cố gắng để đạt được các thoả thuận chung trong thời gian sớm nhất và sẽ thông tin đầy đủ cho báo chí".

Trước đó, trong bản báo cáo gửi lên Thủ tướng, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân cho biết, đầu năm 2018 đã nhận được đề nghị hợp tác đầu tư từ VinaCapital nhằm nâng thương hiệu Ba Huân lên tầm quốc tế.

Dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh - Việt nhưng hai bên mới ký thỏa thuận bằng tiếng Anh. Đến nay, doanh nghiệp muốn huỷ vì không thể đáp ứng các điều khoản sau khi đọc kỹ bản tiếng Việt.

Theo đó, khi đối chiếu thỏa thuận bằng tiếng Việt, công ty Ba Huân "té ngửa" khi trong văn bản tiếng Anh, VinaCapital đã tự đưa tỷ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên 22%.

Trong khi đó VinaCapital lại hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà, loại bỏ các ngành kinh doanh khác.

Quỹ đầu tư này cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.

"Thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân", báo cáo nêu.

Hiện tại, số tiền 32,5 triệu USD vẫn nằm ở ngân hàng do Vinacapital kiểm soát, Công ty Ba Huân chưa nhận được đồng nào.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn