|
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng 11/2017 (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch Tập Cận Bình hiện vẫn nắm quyền lực vững chắc, tuy vậy làn sóng chỉ trích bất thường nhằm vào chính sách kinh tế cũng như cách chính quyền Trung Quốc giải quyết cuộc chiến thương mại đã hé lộ những vết nứt hiếm hoi trong nội bộ đảng.
SCMP đưa tin, theo hai nguồn tin am hiểu về các cuộc thảo luận trong ban lãnh đạo Trung Quốc, “sóng gió” dường như đang xảy ra tại các cấp cao nhất của chính quyền Bắc Kinh và có lẽ tập trung mạnh nhất vào chiến lược gia Wang Huning - một trợ lý thân cận của ông Tập Cận Bình.
Ông Wang là kiến trúc sư của “Giấc mộng Trung Hoa” - tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xây dựng Trung Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng. Tuy vậy, chính Wang Huning lại đang bị ông Tập Cận Bình phê bình vì xây dựng hình ảnh một đất nước Trung Quốc theo chiều hướng dân tộc chủ nghĩa quá mức. Điều này chỉ càng khiêu khích Mỹ thêm.
“Ông ấy đang gặp rắc rối vì tuyên truyền sai lầm và phóng đại Trung Quốc quá mức”, một nguồn tin có quan hệ với ban lãnh đạo và hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc, nói về chiến lược gia Wang Huning.
Theo một cố vấn chính sách của chính quyền Trung Quốc, nội bộ chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng nhận thức rõ rằng viễn cảnh trước mắt của đất nước Trung Quốc đang trở nên u ám hơn sau khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ “xuống dốc” vì căng thẳng thương mại. Những tiếng nói có ảnh hưởng khác tại Trung Quốc cũng nhận thức được điều này.
“Nhiều nhà kinh tế và giới trí thức đang hoang mang về chính sách của Trung Quốc đối với cuộc chiến thương mại. Quan điểm chung đó là, lập trường hiện thời của Trung Quốc quá cứng rắn và ban lãnh đạo rõ ràng đã phán đoán sai tình hình”, một học giả tại một viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc, tiết lộ với Reuters.
Quan điểm trên dường như trái ngược với những suy nghĩ của nhiều học giả Trung Quốc hồi đầu năm. Các học giả này từng tự tin ca ngợi rằng Trung Quốc sẽ đứng vững trước căng thẳng thương mại với Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump đang phải đối mặt với những yếu kém về chính trị ở trong nước.
Trung Quốc từng nghĩ rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Mỹ hồi tháng 5 để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại. Tuy nhiên rốt cuộc, Bắc Kinh đã bị sốc khi chính quyền Trump quay lưng với thỏa thuận này.
“Quá trình chuyển từ xung đột thương mại lên chiến tranh thương mại khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về mọi chuyện. Điều này được cho là có liên quan tới việc một số học giả và cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc đã thổi phồng quá mức sức mạnh của quốc gia này, từ đó tác động tới nhận thức của Mỹ”, cố vấn chính sách Trung Quốc cho biết.
Sự tự tin của Trung Quốc
|
Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Trung Quốc dự đại hội tại Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua) |
Trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình, các quan chức Trung Quốc ngày càng tự tin khi đưa ra những tuyên bố mà họ cho là xứng đáng với vị thế của Trung Quốc như một nhà lãnh đạo thế giới. Thực trạng này đã khép lại chiến lược của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây khi ông cho rằng Trung Quốc cần “giấu mình chờ thời”.
Sự tự tin của Trung Quốc ngày càng dễ nhận thấy hơn khi chính quyền Tập Cận Bình đẩy mạnh Sáng kiến Vành đai và Con đường để phát triển các tuyến đường thương mại nối phương Đông với phương Tây, đồng thời duy trì lập trường cứng rắn trong các vấn đề lãnh thổ như Biển Đông và Đài Loan.
Hu Angang, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, là một trong những tiếng nói quan trọng ủng hộ quan điểm cho rằng Trung Quốc đã đạt được “quyền lực quốc gia toàn diện”. Trong những tuần gần đây, ông Hu đang phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng.
Những người chỉ trích giáo sư Hu đã đổ lỗi cho ông vì khiến Mỹ cảnh giác Trung Quốc bằng cách thổi phồng và phóng đại sức mạnh quân sự, kỹ thuật, kinh tế của Trung Quốc. Theo một cố vấn chính sách, một số quan chức Trung Quốc cũng có chung lập trường với ông Hu.
Tình trạng rạn nứt trong đảng đã khiến thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc bị xuống dốc. Theo đó, chính phủ Trung Quốc phải vật lộn để giữ cho nền kinh tế nước này ổn định cũng như giảm nhẹ tác động từ cuộc chiến thương mại.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã khuyến khích việc cho vay và cam kết sử dụng chính sách tài chính, bao gồm cắt giảm thuế và rót tiền nhiều hơn cho các chính quyền địa phương, để đối phó với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang bị chững lại cũng như tình trạng bất ổn gia tăng khi cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình cũng đang phải xoa dịu một số vấn đề khác, bao gồm cơn giận dữ của công chúng liên quan tới vụ bê bối vắc xin và các cuộc biểu tình của các nhà đầu tư ở Bắc Kinh khi các sàn cho vay trực tuyến gặp sự cố.
Mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc trong những ngày gần đây vẫn tràn ngập những bình luận về Mỹ và cuộc chiến thương mại, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong thông điệp của Bắc Kinh. Trung Quốc đã bắt đầu bớt nhắc tới “Made in China 2025” - chính sách công nghiệp với sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc và là yếu tố cốt lõi dẫn tới việc Mỹ có cái nhìn tiêu cực về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
CGTN, kênh truyền hình tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc với đối tượng khán giả là người nước ngoài, cũng tập trung đưa tin về việc người dân Mỹ sẽ bị tác động như thế nào khi hàng tiêu dùng giá rẻ do Trung Quốc sản xuất trở nên đắt đỏ hơn, cũng như việc hàng rào thuế quan sẽ gây thiệt hại tới mức nào cho nền kinh tế Mỹ.
Theo Dân Trí