|
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Phần Lan hồi tháng 7 (Ảnh: AFP) |
"Tất cả điều tôi có thể nói là, nếu họ (Mỹ) áp đặt lệnh cấm vận đối với các hoạt động ngân hàng hay việc sử dụng bất cứ loại tiền tệ nào, chúng tôi sẽ coi đó là một lời tuyên chiến kinh tế. Và chúng tôi buộc phải đáp trả theo hình thức kinh tế hoặc chính trị hay bất cứ hình thức nào khác nếu cần. Vì vậy, Mỹ không nên mắc sai lầm", Thủ tướng Medvedev đưa ra cảnh báo hôm 10/8.
Cảnh báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga vào cuối tháng này do cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal ở Anh hồi tháng 3. Theo hãng tin RT, các lệnh trừng phạt mà Mỹ dự tính áp đặt đối với Nga sẽ được triển khai thành hai bước và cả hai bên đều mô tả các động thái này là “hà khắc”.
Vào ngày 22/8, lệnh trừng phạt đầu tiên sẽ được Mỹ thi hành bao gồm việc cấm xuất khẩu các mặt hàng bị coi là nhạy cảm về an ninh. Sau đó, nếu Nga không chứng minh cho Mỹ thấy rằng nước này đã dừng sử dụng vũ khí hóa học như cáo buộc của Washington, các lệnh cấm vấn mạnh tay hơn sẽ tiếp tục được áp dụng trong 90 ngày tiếp theo. Lệnh trừng phạt lần hai có thể sẽ bao gồm việc hạ mức quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cấm hãng hàng không quốc gia Nga thực hiện các chuyến bay tới Mỹ, thậm chí dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Nga.
Nga đáp trả ra sao?
Gilbert Doctorow, nhà phân tích về Nga tại Brussels (Bỉ), cho rằng Mỹ đang đe dọa “tấn công vào chính điểm yếu nhất” của Nga, đặc biệt là với lệnh trừng phạt thứ hai, theo cách mà Washington chưa từng làm trong bất kỳ lần áp đặt trừng phạt nào kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc sự đáp trả của Nga nhằm vào Mỹ có lẽ sẽ chỉ mang tính biểu tượng.
“Có nhiều biện pháp mà Nga có thể thực thi để gây khó khăn cho Mỹ. Một trong số đó là dừng xuất khẩu các động cơ tên lửa do Nga chế tạo, vốn được sử dụng trong chương trình không gian của Mỹ. Ngoài ra cũng có thể triển khai những biện pháp khác như cấm xuất khẩu sang Mỹ các kim loại chiến lược và hiếm vốn cần thiết cho mọi ngành công nghiệp, hoặc nâng phí gấp nhiều lần nếu Mỹ muốn sử dụng không phận Nga, hay đơn giản là cấm máy bay hàng không dân sự của Mỹ sử dụng không phận Nga”, ông Gilbert cho biết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Doctorow và Vladimir Vasiliev từ Viện nghiên cứu Mỹ và Canada tại Moscow, Nga có thể sẽ theo đuổi cách tiếp cận chờ đợi để xem xét tình hình, thay vì tấn công trực diện nhằm vào Washington.
“Phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào các lệnh trừng phạt vốn chưa được suy tính cẩn trọng của Mỹ. Chính trị sẽ áp đảo kinh tế trong trường hợp này. Họ (Mỹ) đã ra thông báo, nhưng giới chức Bộ Thương mại Mỹ vẫn đang vật lộn để thiết lập một gói trừng phạt cho kịp trước ngày 22/8”, chuyên gia Vasiliev nhận định, đồng thời cho biết tác động của các lệnh trừng phạt đối với thương mại của cả hai nước sẽ rất khốc liệt, do vậy Nga có thể sẽ chọn cách tránh làm nghiêm trọng thêm tình hình.
Theo các chuyên gia, thay vì trừng phạt kinh tế Mỹ, quốc gia từng xuất khẩu 7 tỷ USD hàng hóa sang Nga hồi năm ngoái, Nga có thể sẽ gây sức ép với Mỹ về chính trị, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Washington đang trông cậy nhiều hơn vào thiện chí của Moscow. Các chuyên gia lấy ví dụ về cuộc chiến tại Syria - nơi cả Nga và Mỹ đều đang triển khai lực lượng và Moscow được cho là đang ở “cửa trên” so với Washington.
“Sẽ có những động thái để đáp trả trực tiếp các lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên. Nga có thể dừng hợp tác với Mỹ và chuyển hướng sang nước khác, và điều này có thể gây tổn hại cho chính sách đối ngoại của Mỹ”, chuyên gia Doctorow nhận định.
|
Cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters) |
Nhằm tránh các thiệt hại từ lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga có thể tăng cường quan hệ với các quốc gia khác. Chuyên gia Vasiliev nhận định việc Nga hợp tác chặt chẽ hơn với châu Âu, khu vực đang trông cậy vào nguồn năng lượng xuất khẩu của Nga, dựa trên vị thế kinh tế và vị trí địa lý, có thể mang lại những cơ hội tốt hơn cho Nga.
Giáo sư kinh tế David Kotz tại Đại học Massachusetts cho rằng Nga có thể hướng về các nước phương Đông để đối phó với Mỹ.
“Mỹ đã chọc giận nhiều quốc gia trên thế giới về thương mại và Moscow có thể dễ dàng tìm kiếm đồng minh trên mặt trận kinh tế. Trước tiên là Trung Quốc. Hai nước thậm chí còn có nhiều nền tảng hơn để hợp tác với nhau”, giáo sư Kotz nói.
Mối quan hệ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở trong giai đoạn nồng ấm hơn so với những người tiền nhiệm. Đây có thể xem là cơ sở để hai nước liên kết chặt chẽ hơn về kinh tế.
Tuy vậy, dù Điện Kremlin có thực thi bất kỳ chiến lược đáp trả nào đi chăng nữa, chuyên gia Kotz tin rằng Nga sẽ khó tránh khỏi việc bị tổn thương từ vòng xoáy căng thẳng với Mỹ, nhất là khi các nước phương Tây sẽ tiếp tục ủng hộ Washington.
“Nga có thể nhận được sự ủng hộ từ các nước khác, tuy nhiên không may là Mỹ có sức mạnh rất lớn trong việc gây sức ép với các quốc gia khác nếu không đi theo chính sách của họ”, ông Kotz nhận định.
Cũng theo một số chuyên gia, một nền kinh tế nhỏ hơn và đang gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng chậm chạp và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Nga sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều hơn trong bất kỳ cuộc đối đầu kinh tế kéo dài và khốc liệt nào với Mỹ. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng không chỉ Nga mà Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với những hệ quả không mong muốn. Chuyên gia Paul Goncharoff nhận định “trong bất kỳ trường hợp nào, không có ai là người thắng cuộc ở đây”.
Theo Dân Trí