Những ngày qua, nước lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục dâng cao. Khắp các cánh đồng giáp biên giới với nước bạn Campuchia ở các huyện An Phú, Tịnh Biên, TP.Châu Đốc và thị xã Tân Châu... của tỉnh An Giang chìm trong nước lũ.
Một mùa lũ đẹp về sớm mang theo cá, tôm đầy đồng và đây là thời điểm tốt nhất để người dân nghèo vùng thượng nguồn mưu sinh giăng câu, thả lưới... Họ biết cách hưởng lợi từ lũ và bội thu nhờ được cá và được giá.
Ông Phạm Văn Niềm vô cùng phấn khởi với mẻ dớn bắt được khoảng 60kg cá linh non |
Ông Phạm Văn Niềm (ngụ ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc) cho biết chỉ trong buổi sáng, vợ chồng ông đặt dớn bắt được khoảng 60kg cá linh non. Khi xuồng đục của ông Niềm từ ngoài đồng trở về, thương lái đến mua với giá 40.000 đồng/kg. "Nếu ngày nào cũng được thế này, kiếm bạc triệu như chơi chú ơi" - ông Niềm vui ra mặt.
Ông Lớn dùng tay không bắt số rắn tạm nhốt trong bể xi măng để chờ thương lái đến cân bán |
Ông Huỳnh Văn Lớn (ngụ ấp Bà Bài) đến Bình Dương làm lao động phổ thông từ nhiều tháng nay. Nghe tin nước lũ về sớm hơn cùng kỳ năm ngoái, ông quyết định nghỉ việc để về quê săn chuột và rắn. Chỉ riêng tối 8-8, ông Lớn đã săn được gần 10kg rắn, chủ yếu là rắn nước.
Ông Lớn cho biết rắn loại nhỏ như thế này chỉ có giá 80.000 đồng/kg |
Cũng theo ông Lớn, rắn nước đang được các bạn hàng mua lại với giá khá cao, dao động từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, tùy theo trọng lượng. Riêng rắn hổ hành có giá đắt nhất với 320.000 đồng/kg. Trong khi đó, rắn hổ ngựa đạt trọng lượng 1kg/con có giá 150.000 đồng/kg.
Bà Huỳnh Thị Lệ bên thau cá linh non đầu mùa được nhiều người mua |
Gia đình bà Huỳnh Thị Lệ (ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Động, huyện An Phú) cũng hốt bộn nhờ mua bán cá linh non. Cá linh non mua về, bà Lệ sơ chế, móc bỏ ruột bán lại cho khách với giá 120.000 đồng/kg. Theo bà Lệ, những đợt cá đầu tiên từ Campuchia trôi theo nước lũ về đã giúp nhiều gia đình cải thiện thu nhập, cuôc sống mưu sinh của bà con đỡ vất vả hơn.
Anh Thảo cùng với nhân công lựa cua để đưa lên xe tải về TP.HCM cho thương lái trước khi vận chuyển bằng máy bay ra Hà Nội |
Các cơ sở thu mua, chế biến theo hộ gia đình tại xã Vĩnh Hội Đông cũng được dịp phất lên trong những ngày này.
Điển hình là anh Huỳnh Thanh Thảo, mỗi ngày anh mua vào khoảng 3 tấn cua các loại do dân nghèo ở địa phương sang Campuchia đặt lọp hoặc đổ dớn bắt được với giá bình quân 10.000 đồng/kg. Sau khi phân loại, số cua nhỏ sẽ được đưa lên xe tải chở về TP.HCM rồi vận chuyển bằng máy bay ra Hà Nội tiêu thụ. Ngoài ra, anh Thảo thu mua hơn 10 tấn ốc bươu vàng để vận chuyển ra tận Phú Yên để giao lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm.
Anh Hận cùng tham gia làm các công đoạn như luộc ốc, tách lấy thịt trước khi giao hàng cho các cơ sở chế biến lại thành thức ăn cho cá |
Còn tại cơ sở của anh Trần Công Hận, các bếp củi sơ chế ốc bươu đỏ rực suốt ngày. Mỗi ngày cơ sở của anh thu mua hơn 1 tấn ốc. Số ốc này sẽ được luộc sơ rồi thuê người tách lấy phần thịt để giao bán cho các cơ sở chế biến thức ăn cho cá với giá 12.5000 đồng/kg. "Thấy cảnh bà con chộn rộn ra đồng mùa lũ, ai nấy có công ăn việc làm, dễ dàng kiếm tiền mình cũng vui lây" - anh Hận bày tỏ.
Nước lũ ngập đồng, tha hồ bắt tôm, cá |
Chuẩn bị cho mẻ dớn bắt cá linh non |
Ngâm mình trong nước lũ dưới trời mưa để di dời dàn dớn đến nơi nước cạn (nông) hơn mới có thể bắt được nhiều cá. |
Câu ếch cũng là thú vui kiếm ra tiền của nhiều người dân trong mùa lũ |
Theo NLĐ