Sai lầm của Mỹ trong chiến lược đàm phán hạt nhân với Triều Tiên

Thứ năm, 09/08/2018, 15:31
Chính quyền Trump tỏ ra quá nôn nóng và thiếu thực tế khi đưa ra các đòi hỏi phi hạt nhân hóa trong thời gian ngắn với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) bắt tay Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Bình Nhưỡng hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Tờ Vox hôm qua dẫn hai nguồn tin cấp cao cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong các cuộc đàm phán gần đây đã yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ 60-70% số đầu đạn hạt nhân trong vòng 6-8 tháng, nhưng đề xuất này liên tiếp bị Bình Nhưỡng từ chối.

Nghiên cứu mới đây của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) cho thấy phản ứng này của Triều Tiên không gây bất ngờ, bởi các nhà đàm phán Mỹ đã không có chiến lược tốt trong các cuộc thương lượng phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, theo Washington Examiner.

Ngay sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng "mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã hết" và khẳng định tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ được thực hiện rất nhanh chóng.

Nhưng Mỹ sớm nhận ra những thách thức trong quá trình đàm phán với Triều Tiên để hiện thực hóa cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" giữa hai lãnh đạo. Mục tiêu của Trump đề ra là chấm dứt và loại bỏ càng nhanh càng tốt năng lực tấn công hạt nhân của Triều Tiên, bằng các biện pháp có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Để thực hiện mục tiêu này, Ngoại trưởng Pompeo đã đích thân tới thủ đô Bình Nhưỡng gặp Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol. Tuy nhiên, các chuyên gia của ACA cho rằng việc cử người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ tới đàm phán trực tiếp với Triều Tiên không phải là ý hay.

Mỗi lần một quan chức cấp cao của Mỹ tới Bình Nhưỡng, truyền thông Mỹ sẽ đưa tin rầm rộ và người dân nước này lại kỳ vọng vào những kết quả lớn. Nhưng đây không phải là cách mà các cuộc đàm phán quốc tế diễn ra, đặc biệt đối với vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Đàm phán phi hạt nhân hóa thường sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức với vô số cuộc gặp giữa phái đoàn công tác hai bên để làm rõ từng chi tiết và khó có thể thu được kết quả chỉ sau 1-2 cuộc gặp của những quan chức cấp cao nhất.

Các chuyên gia ACA tin rằng chính quyền Trump tốt hơn hết là cử một quan chức khác tới Bình Nhưỡng - ở cấp đủ cao để cho Triều Tiên thấy rằng Mỹ nghiêm túc trong đàm phán nhưng không phải là người được kỳ vọng sẽ tạo ra kết quả tức thời sau mỗi cuộc gặp. Đây chính là chiến lược mà chính quyền Obama đã áp dụng khi đàm phán hạt nhân với Iran với kết quả thỏa thuận hạt nhân toàn diện được ký kết và được mọi người, ngoại trừ chính quyền Trump, công nhận là một thành công.

ACA còn cho rằng việc Pompeo đưa ra yêu cầu Triều Tiên phải thống kê đầy đủ số đầu đạn hạt nhân đang sở hữu và cắt giảm 60-70% lượng vũ khí này là đòi hỏi vội vàng và phi thực tế. Trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, việc thống nhất về số lượng đầu đạn hạt nhân và biện pháp kiểm chứng được đưa ra vào cuối giai đoạn thảo luận, không phải ngay từ đầu.

Đây có thể là lý do Triều Tiên có phản ứng quyết liệt sau cuộc họp với Pompeo, khi tố cáo Mỹ có cách hành xử "như côn đồ" trong đàm phán.

Ngay cả khi Bình Nhưỡng nhất trí với yêu cầu này của Washington và giao nộp một số đầu đạn hạt nhân rồi tuyên bố đây là 60-70% kho vũ khí của họ, chính quyền Trump vẫn không có biện pháp kiểm chứng đáng tin cậy nào, khiến hành động này trở nên vô nghĩa.

Trump (phải) và Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Sai lầm nữa của Mỹ trong đàm phán với Triều Tiên là việc "có đi mà không có lại". Washington quyết yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ phần lớn vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy việc giảm bớt lệnh trừng phạt và được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, điều được coi là không thỏa đáng từ quan điểm của Triều Tiên.

Theo ACA, nếu Mỹ nghiêm túc về quá trình đàm phán với Kim Jong-un, họ sẽ phải đưa ra những nhượng bộ nhiều hơn. Kết quả của những lần đàm phán trước đây cho thấy Triều Tiên sẽ không bao giờ là bên chịu xuống nước trước và chắc chắn sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu chưa cảm thấy được đảm bảo an ninh.

Việc Pompeo đòi hỏi Triều Tiên phải cắt giảm phần lớn kho vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng 6-8 tháng cũng được đánh giá là một yêu sách quá tham vọng và thiếu tính thực tế. Việc đưa ra thời gian biểu như vậy cho thấy chính quyền Trump dường như tin rằng họ chỉ cần đưa ra yêu cầu rồi "dỗ dành" Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân bằng các lời hứa hẹn. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng quá trình đàm phán cần sự kiên nhẫn rất lớn và nỗ lực liên tục, không phải bằng cách thức như Mỹ đang làm.

Thay vào đó, chính quyền Trump cần thiết lập các cơ chế để thúc đẩy thảo luận, chẳng hạn như mở các kênh đàm phán, nhất trí bằng văn bản về định nghĩa phi hạt nhân hóa và đảm bảo các lệnh cấm vận hiện nay được thực thi hiệu quả để duy trì sức ép liên tục nhằm buộc Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán.

Những bức ảnh vệ tinh gần đây về hoạt động đang diễn ra tại các cơ sở hạt nhân Triều Tiên cho thấy tuyên bố Bình Nhưỡng "không còn là mối đe dọa" của Trump vẫn chưa thành hiện thực. Những chiến thuật đàm phán sai lầm và các đòi hỏi đơn phương cũng không khiến mối đe dọa đó biến mất, theo bình luận viên Erin Dunne của Washington Examiner. "Để đạt được mục tiêu trong xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên, chính quyền Trump cần phải xem xét lại chiến lược đàm phán của mình", Dunne nhận định.

Theo VNE

Các tin cũ hơn