|
Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng "phủ sóng" rộng rãi hơn để người vay được tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn, trong khi chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát hoạt động "tín dụng đen" |
Ngày 9.8, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 với chủ đề “Tiền Giang, cơ hội đầu tư - đồng hành phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua “tín dụng đen” đã len lỏi, lan rộng trong nền kinh tế, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL.
Hệ quả là gây khó cho phát triển kinh tế và tại một số địa phương đã gây ra nhiều hệ lụy cho người vay, gây bức xúc trong dư luận.
Đây là một vấn đề cần phải được kiểm soát tốt hơn nữa trong thời gian tới. Ở đây, vai trò của chính quyền các địa phương, đặc biệt là các ngân hàng cần mở rộng độ bao phủ để người vay có thể tiếp cận tín dụng nhanh chóng, dễ dàng hơn… Có như vậy mới có thể hạn chế tiến dần đến việc “thủ tiêu” các dòng “tín dụng đen” đang len lỏi trong nền kinh tế.
Một nhóm giang hồ có dấu hiệu cho vay nặng lãi bị Công an tỉnh Bến Tre kiểm tra hồi tháng 6.2018 |
Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 6 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX vào cuối tháng 7.2018, đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết thời gian qua tình trạng "cho vay nặng lãi" trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp nhưng ngành chức năng cũng khó xử lý. Bởi các “đầu nậu” điều hành các đường dây cho vay nặng lãi thường không trực tiếp thực hiện mà đứng phía sau làm "chân rết", chỉ đạo cho “đàn em” thực hiện.
Hình thức thể hiện của hoạt động cho vay nặng lãi rất tinh vi, đa dạng như cho thuê xe, tài sản, doanh nghiệp kinh doanh thương mại… Nhiều trường hợp đi vay đã gặp nhiều rắc rối do bản thân không không nhận thức được hậu quả khi giao dịch với các đối tượng này. Trong khi đó, phần lớn người vay có biết nhưng vẫn chấp nhận vay nặng lãi do nhất thời không tìm được cách giải quyết nào khác.
Vẫn theo đại tá Trí, qua rà soát tình hình trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Tiền Giang có 7 tổ chức có biểu hiện cho vay nặng lãi với 403 người tham gia trong các đường dây. Bước đầu, cơ quan công an xác định có 8 nghi can trong số này đang trực tiếp cho vay với lãi suất từ 20 - 28%/tháng.
Tiền Giang thu hút 31 dự án với khoảng 16.000 tỉ đồng Tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trao quyết định đầu tư cho 22 dự án, chủ trương cho 9 dự án với tổng kinh phí khoảng 16.000 tỉ đồng. Đồng thời, công bố danh mục 19 dự án kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dự án phát triển hạ tầng thương mại.
Theo ông Lê Văn Hưởng, để thu hút đầu tư, tỉnh Tiền Giang mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đối thoại nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vướng mắc cho nhà đầu tư. Hiện, thủ tục được rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các nhà đầu tư ngoài các khu công nghiệp từ 35 ngày theo Luật đầu tư xuống còn 20 ngày, trong khi đầu tư trong Khu công nghiệp chỉ còn 9 ngày.
|
Theo Thanh Niên