|
Các chuyên gia cho rằng, các DN sẽ gặp khó khăn khi hệ thống phân phối nằm trong tay các DN ngoại. |
Năm 2016 đáng nhớ với thị trường bán lẻ Việt Nam. Chỉ trong vài tháng, tập đoàn TCC Holding của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, một trong 3 người giàu nhất Thái Lan, tuyên bố hoàn tất việc thâu tóm toàn bộ Metro Việt Nam và sau đó là Big C đánh dấu việc đặt chân sâu hơn của người Thái trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ của Việt Nam.
Ngày 7/1/2016, Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức phát đi thông báo về việc hoàn tất bán công ty chuyên bán buôn Metro Cash & Carry Việt Nam cho tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan sau 14 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Để sở hữu 19 siêu thị và nhiều bất động sản có liên quan của Metro Việt Nam, tỷ phú người Thái Lan đã chi tổng cộng 655 triệu euro (tương đương 16.000 tỷ đồng thời điểm đó). Sau một năm về tay ông chủ người Thái, hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam chính thức đổi tên thành MM Mega Market.
Điều đáng nói, trước khi mua Metro Việt Nam, một công ty con của tập đoàn TCC là Berli Jucker (BJC) cũng đã gián tiếp sở hữu 64,55% lợi ích của Phú Thái Group, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng của Việt Nam, thông qua việc sở hữu 65% cổ phần của Công ty CP Thái An Việt Nam, đơn vị trực tiếp sở hữu hơn 99% cổ phần của Phú Thái Group. Cùng với việc thâu tóm Phú Thái, Metro, mua lại cổ phần của đối tác Nhật Bản trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và sau đó đổi tên thành B’smart, BJC không giấu tham vọng thúc đẩy ngày càng nhiều hơn trong việc gia tăng kiểm soát thị phần trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ tại Việt Nam.
Chỉ hơn ba tháng sau khi Metro Việt Nam về tay người Thái, cuối tháng 4/2016, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan Central Group công bố hoàn tất mua chuỗi bán lẻ siêu thị BigC Việt Nam với 33 siêu thị cùng 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn từ tập đoàn Casino (Pháp) với giá 1,1 tỷ USD.
Thâu tóm từ phân phối đến sản xuất
Cuối năm 2017, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi “rút ví” gần 5 tỷ USD để mua lại 53,59% vốn tại Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp có hệ thống phân phối và hiệu quả kinh doanh cao nhất ngành bia rượu Việt Nam. Đây là một cú sốc với không ít doanh nghiệp trong ngành bia rượu.
Đến đầu năm 2018, The Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan), cổ đông đang sở hữu trên 50% vốn tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), thông báo đã mua thêm để nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên trên 54%.
Tổng tiền đầu tư của Tập đoàn SCG vào các DN Việt hiện lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Số lượng DN Việt thuộc sở hữu và nắm quyền chi phối của SCG lên tới trên 20 đơn vị. Đặc biệt, các DN mà SCG sở hữu đều là các DN có máu mặt trong ngành sản xuất nhựa gia dụng, bao bì như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái... Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn SCG cũng hoàn tất ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), để mua nốt 29% cổ phần còn lại tại Nhà máy lọc Hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) với giá trị 2.052 tỷ đồng. Đợt ký kết mới đây chính thức đánh dấu việc thâu tóm hoàn toàn 100% dự án.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện các doanh nghiệp FDI bán lẻ đã chiếm lĩnh 70% thị phần các cửa hàng tiện lợi, 17% các siêu thị và trung tâm thương mại, 15% đối với các siêu thị mini, 50% qua các hình thức bán hàng trực tuyến như qua điện thoại, truyền hình. |
Theo Tiền Phong