Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa phát văn bản nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC, chủ đầu tư), các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát, thiết kế liên quan đến việc xử lý hư hỏng mặt đường bê tông nhựa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi,
Đây là lần thứ hai trong 5 ngày, lãnh đạo Bộ Giao thông ra văn bản phê bình các đơn vị trên, do xử lý hư hỏng công trình không đạt yêu cầu kỹ thuật.
"Các đơn vị này không thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, có thể gây mất an toàn cho người lao động và phương tiện qua lại, tạo nên hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội”, văn bản nêu rõ.
Một ổ gà được sửa chữa tam thời, khi gặp mưa và xe lưu thông bị hư hỏng lại. |
Bộ Giao thông đánh giá, công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường bê tông nhựa của nhà thầu không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, "vá víu thủ công"; không tổ chức phân luồng giao thông và bố trí rào chắn, thiết bị cảnh báo; công nhân không có thiết bị bảo hộ lao động; thiếu sự kiểm tra, giám sát kỹ thuật của các bên liên quan.
VEC được giao khẩn trương chỉ đạo nhà thầu rà soát, thống kê đầy đủ các vị trí hư hỏng mặt đường bê tông nhựa trên toàn tuyến để xử lý, khắc phục triệt để; đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tuyệt đối an toàn giao thông.
“VEC phải chấn chỉnh thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công; yêu cầu nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng; vật tư, vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; tổ chức phân luồng giao thông, bố trí rào chắn, biển báo”, Bộ Giao thông chỉ đạo.
Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VEC "chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu việc xử lý, sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng hoặc để xảy ra mất an toàn".
Trước đó ngày 11/10, Bộ Giao thông đã yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, giám sát khẩn trương sửa chữa triệt để các hư hỏng mặt đường cao tốc. Tuy nhiên, đến 14/10, một số đoạn cao tốc mới bắt đầu được sữa chữa và dự kiến hoàn thành vào 17/10.
Vị trí sửa chữa bao gồm các đoạn tuyến thuộc km45 - Km46 (phải tuyến); km46 và km27 (trái tuyến).
Theo VEC, công tác sửa chữa mặt đường cao tốc được tiến hành theo biện pháp thi công được Tư vấn giám sát phê duyệt. Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã chỉ đạo nhà thầu chịu trách nhiệm huy động đầy đủ máy móc, thiết bị cần thiết; các đơn vị khai thác, vận hành cao tốc của VEC sẽ phối hợp với nhà thầu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện đi trên tuyến.
Sau hơn một năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến Km0 – Km65 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện tình trạng mặt đường hư hỏng cục bộ tại một số vị trí. Diện tích hư hỏng khoảng 70m2 trong tổng số 3,1 triệu m2 mặt đường, tuy nhiên Ban quản lý, các đơn vị khai thác và nhà thầu đã chậm triển khai sửa chữa.
Ngày 11/10, Bộ Giao thông có công văn phê bình chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, yêu cầu tạm dừng thu phí từ 12/10 cho đến khi khắc phục triệt để hư hỏng mặt đường.
Tháng 5/2013, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công, với chiều dài 131 km. Điểm đầu là thị trấn Túy Loan (Hòa Vang, Đà Nẵng), điểm cuối tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Tổng vốn đầu tư toàn tuyến cao tốc hơn 34.500 tỷ đồng. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ 120 km mỗi giờ; quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường hơn 24 m. Đầu tháng 8/2017, giai đoạn 1 dài 65km từ nút giao Túy Loan (Đà Nẵng) đến nút giao Tam Kỳ (Quảng Nam) đã thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác. Đầu tháng 9/2018, giai đoạn 2 từ Tam Kỳ đến Quảng Ngãi dài 74km được khánh thành. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Trung. |
Theo VNE