Khoản nợ khổng lồ của chủ đầu tư đường cao tốc vừa thông xe đã thủng lỗ chỗ

Thứ ba, 16/10/2018, 08:50
Từng được kỳ vọng như một doanh nghiệp nòng cốt để xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia song sau 14 năm thành lập, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang bộc lộ nhiều hệ lụy, gánh trên vai khoản nợ tỷ USD không trả nổi.    

Doanh nghiệp không giống ai

Được thành lập theo chủ trương thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc, VEC có nhiệm vụ tiếp nhận, huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài để xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia.

Đây là mô hình quản lý đầu tư dự án mới thay thế hình thức Ban quản lý dự án thực hiện các dự án đầu tư do Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư.

Theo mô hình này, việc huy động vốn của VEC được áp dụng cơ chế vay lại các nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế như nguồn OCR (vốn vay thương mại) của Ngân hàng phát triển châu Á, nguồn IBRD (Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển) của World Bank và huy động vốn chủ sở hữu của VEC để thực hiện đầu tư dự án, được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn thương mại và khi phát hành trái phiếu công trình…

Về cơ chế hoàn vốn, VEC được thu phí trước tiên để hoàn phần vốn VEC vay và huy động, sau đó tiếp tục hoàn phần vốn Nhà nước cấp phát ODA, phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và để tái đầu tư các dự án mới.

Như vậy, VEC vừa là chủ đầu tư, vừa trực tiếp triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc, lại vừa thực hiện kinh doanh để thu hồi vốn.

Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa thông xe đã thủng lỗ chỗ.

Trên lý thuyết, VEC là doanh nghiệp hoạt động theo hình thức đầu tư hoàn vốn không bao cấp. Ngoài vốn điều lệ ban đầu được nhà nước cấp, VEC phải đi vay để đầu tư, bao gồm vay vốn ODA, vốn thương mại và phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. VEC phải tự thanh toán các khoản vay và lãi tới hạn.

Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các khoản nợ được bảo lãnh đến hạn VEC đều không trả được, buộc Chính phủ đứng ra trả nợ thay.

Trong hai năm 2013 - 2014, Chính phủ đã có hai lần chuyển vốn Nhà nước cho vay lại hoặc bảo lãnh cho vay thành ngân sách cấp phát cho VEC với tổng giá trị cấp phát là 11.389 tỷ đồng. Cả hai lần chuyển vốn ODA cho doanh nghiệp vay lại và vốn bảo lãnh thành vốn ngân sách đầu tư trực tiếp là không đúng quy định của Luật Ngân sách và cả Hiến pháp.

Hồi đầu năm nay, trên diễn đàn Quốc hội, trước chất vấn về việc đề nghị chuyển vốn vay 22.000 tỷ đầu tư cho 4 dự án của VEC thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông vận tải lý giải là do tổng công ty này thực hiện một số đường cao tốc vừa mang yếu tố kinh tế, kỹ thuật nhưng vừa đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, ông Thể cũng phải thừa nhận còn vướng về thủ tục, chưa trình và báo cáo Quốc hội.

Nợ nần lớn, khó cổ phần hóa

Theo báo cáo tài chính 2016, tại thời điểm 31/12/2016, VEC đang gánh khoản nợ hơn 34.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 9.059 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 25.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khoảng 42.776 tỷ đồng. Cũng trong 2016, VEC vay 1.388 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với số tiền công ty vay trong năm 2015.

Hồi cuối năm 2015, báo cáo tình hình triển khai công tác tái cơ cấu, cổ phần VEC, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc cho biết, từ cuối tháng 11/2015, Bộ Tài chính có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh tăng vốn điều lệ VEC, sau đó Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các Vụ liên quan và tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Tuấn Anh cho hay, hiện VEC đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn tất công tác tái cơ cấu, điều chỉnh vốn điều lệ để chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, VEC cũng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, xác định vốn điều lệ, làm việc với Văn phòng Chính phủ để thông qua phương án tài chính 5 dự án đường bộ cao tốc, thiết lập cơ chế xử lý bù đắp thiếu hụt dòng tiền của 2 Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ngoài ra, VEC cũng đang xây dựng cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, mô hình đầu tư, vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc; chuẩn bị hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của VEC và trình Bộ GTVT dự toán chi phí cổ phần hóa.

Tuy nhiên, đến nay việc cổ phần hóa của VEC dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cái khó nhất là giải quyết câu chuyện nợ nần, tính toán vốn liếng sao cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã nhiều lần đề cập đến việc cần xem lại mô hình hoạt động của VEC.

Theo đó, VEC được hình thành từ vốn ngân sách, song hoạt động khi cổ phần hoá lại xảy ra một loạt vấn đề với mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) chồng lấn lên các dự án.

“Cần đánh giá lại tổng thể, báo cáo Chính phủ”, Ông Dũng nói.

Làm rõ trách nhiệm sự cố đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, công trình giao thông nói riêng.

Dẫn chứng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng số vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng chỉ một tháng vận hành đã hư hỏng, bà Nga nêu thực trạng chất lượng thi công các loại công trình hạ tầng, thi công thì lâu nhưng xuống cấp lại rất nhanh, nhất là các công trình giao thông.

“Cần phải làm rõ và trách nhiệm giải trình phải thật nghiêm túc. Chính phủ phải làm rõ tại sao chất lượng các công trình lại xuống cấp nhanh như thế, ở nhiều loại công trình hạ tầng, trong đó đường giao thông là thấy rõ nhất”, bà Nga nói.

Liên quan đến vụ việc trên, trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư) dừng thu phí tuyến đường này để khắc phục, sửa chữa đường và yêu cầu VEC xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.

Việc sửa chữa hư hỏng tuyến đường sẽ thực hiện từ 17h ngày 14/10 đến 11h ngày 17/10/2018.

Theo VTC

Các tin cũ hơn