|
Kết quả vụ kiện Vinasun - Grab được đánh giá tác động rất lớn đến nền kinh tế |
Ngày 29.10, Tòa án kinh tế - TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện "lạ lùng" giữa Vinasun và Grab. Kết quả vụ kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm từ phía các chuyên gia, luật sư. Đặc biệt, hàng trăm lĩnh vực kinh doanh cũng "nghẹt thở" lo lắng cho "số phận" của mình.
Rất nhiều tài xế Vinasun đến tạo áp lực trước cổng tòa án |
Không vì một doanh nghiệp, giết cả một môi trường kinh doanh
TS Lương Hoài Nam, chuyên gia về giao thông cho biết ông theo dõi rất sát vụ kiện này. Từ ngày diễn ra phiên tòa đầu tiên, khi Tòa án Kinh tế - TAND TP.HCM bác yêu cầu giữ bí mật kinh doanh của Grab, ông đã tỏ ra hết sức thất vọng. "Chúng ta cực kỳ thành công trong việc tiêu diệt CM 4.0. Việc này rất khó, phải xuất sắc lắm mới làm được. Hiếm nước nào làm được như nước ta" - trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nam viết.
Sau quan điểm của Viện Kiểm sát trong phiên tòa ngày 23.10 cho rằng Grab thực chất là đơn vị kinh doanh vận tải, đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun và buộc DN này phải bồi thường một lần gần 42 tỉ đồng mà nguyên đơn thiệt hại, TS Lương Hoài Nam thẳng thắn cho rằng nếu toà xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì đó sẽ là một cái tát vào mặt môi trường, văn hoá kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển CM 4.0 nói riêng ở nước ta. Đối với tư pháp, nó sẽ tạo ra án lệ hủy hoại nhiều thứ tốt đẹp khác. Các công ty taxi truyền thống khác sẽ kiện Grab cho đến khi Grab biến khỏi Việt Nam. Các khách sạn sẽ kiện Airbnb (mô hình kết nối dịch vụ thuê phòng, thuê nhà nghỉ, tương tự như Grab). Mọi nền tảng online đều có thể bị kiện, vì cái online nào cũng lấy bớt miếng bánh của cái offline.
Theo ông, Grab là công ty công nghệ, cung cấp kết nối giữa người vận tải và khách hàng. Nó không phải doanh nghiệp taxi hay bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào khác. Nó không có phương tiện vận tải, chẳng có lái xe. Đánh tráo khái niệm, gọi Grab là "doanh nghiệp vận tải" chẳng khác nào gọi các công ty nước ngoài đang cung cấp hệ thống bán vé máy bay ở Việt Nam là các "hãng hàng không".
"Một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà giết chết một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển, một văn minh" - ông Nam nhấn mạnh.
TS. Lương Hoài Nam |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định mô hình kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ là xu hướng tất yếu của không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới. Đây là nền tảng cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0, được ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực vận tải và du lịch và Grab chính là điển hình. Qua vụ kiện của Vinasun - Grab có thể thấy rõ giữa taxi truyền thống và hoạt động mô hình kinh tế nền tảng đang có vấn đề, có sự cạnh tranh, xung đột gay gắt.
Nếu tòa án đồng tình với yêu cầu của VKS, chấp nhận hoàn toàn những lý lẽ của Vinasun đưa ra thì đây chính là án tử đối với mô hình kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, kinh tế số tại Việt Nam. Điều này không những đi ngược với chủ trương, quan điểm đối với cách mạng 4.0 của Chính phủ mà còn thui chột sự cạnh tranh, tác động trực tiếp đến chi phí xã hội, lợi ích của người tiêu dùng. Các DN công nghệ nước ngoài sẽ e dè khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, trong khi các DN công nghệ trong nước cũng "hết đường" cải tiến, phát triển.
Ông Long cũng đặt nhiều dấu hỏi xung quanh tính khách quan của tòa án, tại sao sau rất nhiều phiên trì hoãn, TAND TP.HCM lại chọn đúng thời điểm Bộ GTVT vừa đưa quan điểm "gom trứng vào một giỏ", quản Grab như taxi truyền thống vào bản dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, để mở phiên xét xử cuối cùng? Tại sao Vinasun kiện đòi bồi thường thiệt hại nhưng chủ yếu nội dung phiên tòa lại xoay quanh bản chất hoạt động của Grab, đặt vấn đề Grab có vi phạm đề án thí điểm 24 hay không?...
"Phải chăng tất cả mọi thứ đều có liên quan đến nhau, có lợi cho Vinasun và tựu chung mục đích cuối cùng là đeo gông cho Grab như taxi truyền thống?" - ông Ngô Trí Long đặt vấn đề và yêu cầu cần có đơn vị tư vấn độc lập có chuyên môn về mô hình kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, đánh giá lại tất cả lý lẽ của cả 2 bên để làm căn cứ cho tòa đưa ra quyết định cuối cùng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
"Hình thành nhiều tiền lệ xấu"
LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM đánh giá vụ kiện giữa Vinasun - Grab là vụ kiện đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, 1 DN kiện 1 DN khác chỉ vì mình làm không tốt và khách hàng bỏ theo cái mới. Điều này thể hiện rõ tính cổ hủ, không chịu tiếp nhận cái mới, chỉ muốn kéo người khác xuống như mình. Bản thân phiên tòa này cũng có nhiều điều bất thường mà ông Hậu cho rằng nếu phán quyết cuối cùng giành phần thắng cho Vinasun, sẽ hình thành nên nhiều tiền lệ xấu đối với cả ngành tư pháp và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Hậu phân tích tòa án không có quyền từ chối đơn kiện của bất cứ cá nhân, tổ chức nào nhưng phán quyết của tòa phải dựa trên các quy định quy phạm pháp luật. Cụ thể trong trường hợp này, khung quản lý hiện hành của Grab là Đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, đã được tổng kết, đánh giá và được Thủ tướng Chính phủ gia hạn. Nếu tòa đưa kết luận Vinasun thắng, Grab vi phạm Đề án thí điểm, thực chất mô hình của Grab là taxi thì tòa đã đứng trên cả pháp luật, đứng trên Bộ GTVT, Bộ Công thương và trên cả Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc tòa cho phép Vinasun tiếp cận, sao chụp các tài liệu bao gồm hợp đồng giữa Grab với các hợp tác xã, danh sách các hợp tác xã trong khi Grab khẳng định đó là bí mật kinh doanh của DN là vi phạm Hiến pháp của Việt Nam. Bí mật của cá nhân, gia đình, tổ chức là bất khả xâm phạm. Tòa có quyền yêu cầu Grab cung cấp nhưng không có quyền cung cấp cho bên thứ 3 là đối thủ cạnh tranh, đặc biệt đối một tòa án dân sự lại càng không được quyền.
"Ở Mỹ, bí mật kinh doanh của DN được bảo mật cực cao, chỉ khi nào DN bị kết luận vi phạm thì cơ quan chức năng mới có quyền yêu cầu giao nộp. Như vậy từ bây giờ ở Việt Nam, cứ DN nào muốn biết bí mật kinh doanh của đối thủ sẽ đâm đơn kiện, lôi nhau ra tòa. Kết luận của tòa chính là câu trả lời của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế rằng chúng ta đã sẵn sàng đón nhận cái mới, đón nhận văn minh, sẵn sàng gia nhập nền cách mạng 4.0 hay chưa." - ông Hậu nhận định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu |
Theo Thanh Niên