Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh của Zing.vn, nhà thầu đã sửa chữa, khắc phục sự cố thấm dột tại cầu VD09B và hầm chui dân sinh.
Ngày 22/10 một nhóm công nhân dùng khò để cắt các thanh sắt phía dưới gầm cầu. Họ dùng cây sắt cạy các tấm ván gỗ, bẹ chuối khỏi trần cầu VD09B tại Km 107+829 CT.01 thuộc gói thầu A3, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, địa phận xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Cán bộ kỹ thuật nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) cho rằng cầu VD09B vẫn chưa hoàn thành nên đất, đá còn vương vãi khắp nơi. Một số hạng mục chưa làm xong nên xảy ra sự cố thấm dột ở công trình này. Vị này lý giải các công nhân mới hoàn thiện phần thô của công trình để kịp thông xe dịp 2/9.
Trao đổi với PV chiều 20/10, ông Nguyễn Tiến Thành, cho biết đơn vị tư vấn giám sát đã có văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện sửa chữa vào ngày 10/10 và nhắc lại bằng văn bản ngày 21/10.
Đoạn tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi. |
Chuyên gia cao cấp Hoàng Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu - đường - cảng TP.HCM, nhận định cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thông xe hơn một tháng mà nhà thầu nói cầu VD09B chưa làm xong nên xảy ra tình trạng thấm dột là khó tin.
"Việc thấm nước qua mặt cầu như trên là không bình thường. Khi thiết kế thì người thiết kế luôn có giải pháp thoát nước mặt cầu và chống thấm, không để nước chảy xuống dưới", ông Trường nói.
Những ngày qua, PV ghi nhận thực tế tại khu vực cầu VD09B, toàn bộ các thiết bị, công cụ xây dựng đã được đơn vị thi công dọn đi sạch. Cho đến khi VEC yêu cầu nhà thầu khắc phục lỗi, đơn vị thi công mới di chuyển máy móc, thiết bị trở lại cầu VD09B. Vì thế, khó để tin cây cầu chưa làm xong trong khi công nhân và thiết bị đã được di chuyển sạch.
Kỹ sư Mai Công Sơn cũng cho rằng cao tốc đã thông xe một tháng nhưng những tấm ván gỗ, bẹ chuối vẫn treo lơ lững trên trần cầu, gây nguy hiểm cho người dân là khó chấp nhận.
"Khi người dân đi qua hầm cầu, những tấm ván trên rơi xuống thì rất nguy hiểm", ông Sơn nói và cho biết nguyên tắc thi công cầu là khi bê tông khô, công nhân phải tháo các tấm ván, bẹ chuối và chống thấm trần. Sau đó nhà thầu phải tô trát trần và thành cầu theo đúng hồ sơ thiết kế.
Cầu VD09B thuộc gói thầu A3. |
Chuyên gia cao cấp Hoàng Ngọc Trường đồng tình với quan điểm trên và cho biết việc thấm nước như thế là không bình thường và nhà thầu thi công chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.
"Nếu cao độ mặt đường tại khe co giãn 2 đầu cầu thấp hơn so với cao độ trên mặt cầu và mặt đường thì đây rõ ràng là lỗi do thi công vì chắc chắn không thể có một thiết kế trắc dọc gẫy khúc như vậy", ông Trường phân tích thêm và cho hay lỗi chính là của nhà thầu thi công và đơn vị giám sát công trình.
Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu - đường - cảng TP.HCM cho rằng chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường và sửa chữa kịp thời sự cố này để đảm bảo an toàn và tuổi thọ cho công trình.
Khi được hỏi nhiều hạng mục trên cao tốc chưa hoàn thành nhưng tại sao vẫn thông xe, đại diện chủ đầu tư cho biết Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã đồng ý. Tuy nhiên, theo ông Thành, đến nay Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chưa tiến hành nghiệm thu hoàn thành dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trước đó, ngày 1/8/2017, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước ra thông báo số 101/TB-HĐNTNN, chấp thuận việc thông xe có điều kiện đối với đoạn tuyến (chưa phải nghiệm thu hoàn thành công trình).
Các tấm ván và bẹ chuối còn ở trên trần cao tốc. |
Tại thông báo này, Hội đồng nghiệm thu đã chỉ ra các công việc tồn tại trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư phải tổ chức khắc phục.
Mới đây, sau những trận mưa lớn và trên cao tốc đã xuất hiện những hư hỏng khiến dư luận bức xúc. Công trình đang trong thời gian bảo hành nên nhà thầu phải có trách nhiệm khắc phục sự cố.
Sau khi những sự cố trên được khắc phục, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và có ý kiến chấp thuận nghiệm thu hoàn thành nếu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng cho rằng việc quản lý và giám sát đảm bảo chất lượng công trình là trách nhiệm của nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư.
Nhắc lại những sự cố hư hỏng trên cao tốc 34.500 tỷ mà Zing.vn nhiều lần phản ánh, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho rằng dự án có tổng mức đầu tư lớn nhưng đang bộc lộ những sự cố đáng tiếc. Theo ông, Chính phủ cần sớm thành lập một đơn vị chuyên môn độc lập để kiểm định lại chất lượng công trình này.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) cho rằng Trung ương nên thanh tra toàn diện để làm rõ những nghi vấn, như: Chất lượng công trình kém, bớt xén vật liệu, bán thầu...
Công nhân khắc phục sự cố thấm dột tịa cầu VD09B. |
PGS.TS Phạm Xuân Mai cho hay để vụ việc được khách quan thì Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ lập đoàn thanh tra độc lập để giám định chất lượng, thanh tra toàn diện dự án chứ không nên để mỗi Bộ GTVT thực hiện.
Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) kiến nghị các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, phải có trách nhiệm chất vấn vấn đề này với Bộ trưởng Bộ GTVT. "Quốc hội phải đưa việc chất vấn này vào chương trình nghị sự để các đại biểu chất vấn, làm rõ vấn đề", ông Pháp kiến nghị.
Chuyên gia pháp lý này không hài lòng khi Thanh tra của Bộ GTVT vào cuộc. "Bộ GTVT là cơ quan chủ quản của VEC nên công tác thanh tra sẽ thiếu khách quan. Nếu Bộ GTVT thanh tra thì giống như vừa đá bóng, vừa thổi còi", ông Pháp nghi vấn.
Theo Zing