Trung Quốc tung kích thích nhỏ giọt cứu nền kinh tế

Thứ tư, 24/10/2018, 14:52
Chứng khoán lao dốc và tăng trưởng giảm tốc khiến Trung Quốc phải áp dụng nhiều biện pháp quy mô nhỏ để bình ổn tâm lý nhà đầu tư.

Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang lên kế hoạch cung cấp 10 tỷ NDT (1,4 tỷ USD) cho China Bond Insurance để hỗ trợ tài chính cho các công ty tư nhân. Cùng hàng loạt công cụ mới để tăng cho vay các doanh nghiệp, và kế hoạch giảm rào cản với đầu tư nước ngoài, các biện pháp này sẽ giúp đảm bảo lượng vốn và đầu tư cho nền kinh tế.

Chứng khoán Trung Quốc mở cửa phiên sáng nay tiếp tục giảm, sau đó mới bật tăng trở lại. Vài phiên gần đây, thị trường này liên tục đi xuống, cho thấy các chính sách của Trung Quốc dường như chưa đủ xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư.

Khi cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc, nhà đầu tư nước này cũng bi quan hơn về khả năng tình hình có cải thiện, khiến chứng khoán lao dốc. Đây hiện là thị trường tệ nhất thế giới năm nay. Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục bổ sung các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ, với quy mô hạn chế, cho đến khi tâm lý chung được cải thiện. Vì họ chưa sẵn sàng từ bỏ mục tiêu giảm phụ thuộc vào vay nợ.

Một nhân viên làm việc tại quận tài chính Lujiazui ở Phố Đông (Thượng Hải). Ảnh: Reuters

“Dù mỗi biện pháp nới lỏng được công bố gần đây có thể chỉ tác động khiêm tốn lên tổng thể nền kinh tế, chúng đang dần tạo đà và sẽ thay đổi quan điểm của mọi người về lập trường chính sách của chính phủ”, Song Yu - nhà kinh tế học tại Beijing Gao Hua Securities nhận định, “Chúng tôi dự báo trong những ngày tới, nhiều biện pháp nới lỏng nữa sẽ được tung ra đến khi nền kinh tế và thị trường có dấu hiệu bình ổn rõ ràng”.

Cuộc chiến giảm đòn bẩy của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình vẫn còn gây sức ép lên nền kinh tế, dù cường độ đã giảm đi trong vài tháng qua. Việc kiềm chế ngân hàng ngầm - nguồn tài chính ưa thích của lĩnh vực tư nhân - đã thắt chặt thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại.

Quy mô hệ thống ngân hàng ngầm tại Trung Quốc đã co lại 7 tháng liên tiếp, tính đến hết tháng 9. Các khoản vay từ thế chấp cổ phiếu cũng giảm 7 tháng liên tiếp, tính đến hết tháng 8. Điều kiện khó khăn khiến các vụ vỡ nợ lên kỷ lục. Các công ty tư nhân chiếm khoảng 94% trường hợp quá hạn thanh toán trái phiếu nội địa năm nay. Trong khi đây lại là nhóm doanh nghiệp tạo việc làm cho khoảng 80% lao động trong nước.

Các biện pháp được Trung Quốc công bố gần đây nhằm hiện thực hóa cam kết hỗ trợ “liên tục” cho các công ty tư nhân của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Dù vậy, khoản hỗ trợ do China Bond Insurance quản lý chỉ nhắm vào các công ty tư nhân có sức cạnh tranh và triển vọng tốt, các nhà phân tích tại China International Capital Corporation nhận xét. Chính sách này “sẽ giải quyết trực tiếp vấn đề trên thị trường tài chính” và khiến nhà đầu tư không đổ xô mua tài sản an toàn. Tuy nhiên, tác động của nó hiện tại chưa thể đánh giá và còn tùy thuộc vào việc thực hiện.

Đến nay, PBOC đã 4 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng và ra tín hiệu có thể tiếp tục. Động thái này đã bổ sung vốn cho nền kinh tế mà không cần hạ lãi suất hàng loạt - dễ gây áp lực giảm lên nội tệ.

Về tài khóa, Chính phủ Trung Quốc cuối tuần trước cũng đã công bố kế hoạch chi tiết ban đầu về giảm thuế thu nhập cá nhân. Theo Deutsche Bank, kế hoạch này có thể giúp giải phóng 600 tỷ NDT. Nếu phần lớn mọi người sử dụng tiền dư ra từ việc này để tiêu dùng, doanh số bán lẻ có thể tăng 1%. Việc giảm thuế thu nhập cũng có thể là sự mở màn cho một chuỗi giảm khác, nhà băng này cho biết.

Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết “các biện pháp đặc biệt” nhằm giảm áp lực thuế và an sinh xã hội cho doanh nghiệp đang được nghiên cứu. Chính phủ cũng đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa nền kinh tế với đầu tư nước ngoài. Đây là trọng tâm các phàn nàn của Mỹ về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc.

GDP Trung Quốc được dự báo chỉ tăng 6,6% năm nay và 6,3% năm tới. Nhưng theo Morgan Stanley, nếu tính cả ảnh hưởng từ lời đe dọa đánh thêm thuế nhập khẩu của ông Trump, những con số này sẽ còn giảm nữa.

“Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức nảy sinh từ hàng loạt lo ngại địa chính trị, mà phần lớn nằm ngoài khả năng tác động của chính phủ nước này”, Todd Schubert - Giám đốc nghiên cứu các công cụ trả lãi cố định tại Bank of Singapore kết luận.

Theo VNE

Các tin cũ hơn