Ngày 11.12, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 5671 về việc thu hồi khu 'đất vàng' diện tích hơn 4.896m2 ở số 8 - 12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1.
Như vậy, hơn nửa năm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại lô đất vàng 8-12 Lê Duẩn, đến nay TP.HCM đã chính thức có quyết định thu hồi lô đất này.
Chính thức thu hồi “đất vàng” Lê Duẩn, doanh nghiệp có thể khởi kiện
Theo quyết định, khu “đất vàng” bị thu hồi bao gồm mặt bằng số 8 Lê Duẩn diện tích hơn 3.456m2 và mặt bằng số 12 Lê Duẩn diện tích hơn 1.431m2. Khu đất do Công ty cổ phần đầu tư Lavenue được thuê đất, giao đất theo quyết định số 2186 ngày 5.5.2016.
Quyết định này được thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai là đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo kết luận thanh tra số 645 ngày 4.5 của Thanh tra Chính phủ, được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại thông báo số 249 ngày 18.7.2018 của Văn phòng Chính phủ
Theo quyết định của UBND TP.HCM, công ty cổ phần đầu tư Lavenue có trách nhiệm bàn giao khu đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ pháp lý khác có liên quan đến quyền sử dụng đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất của TP.HCM quản lý theo quy định pháp luật.
UBND quận 1 có trách nhiệm quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, giám sát việc sử dụng đất, kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định đối với “khu đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn.
Trước đó, tháng 5.2018, Thanh tra Chính phủ kết luận về những sai phạm trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ tại khu đất rộng 4.921m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1).
Kết luận thể hiện, trong thời gian ông Tài đương nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã ký nhanh nhiều văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm và các công ty không đủ năng lực khác tham gia dự án làm thất thoát nguồn thu ngân sách.
Dự án "đất vàng" Lê Duẩn hiện đang làm bãi trông xe |
Trong kết luận Thanh tra Chính phủ cũng có kiến nghị thu hồi toàn bộ khu nhà đất gần 5.000m2 tại số 8 - 12 đường Lê Duẩn do giao, cho thuê không qua đấu giá.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc giao, cho thuê khu nhà đất tại số 8 - 12 Lê Duẩn. Trong đó khẳng định việc UBND TP giao, cho thuê khu đất này không qua đấu thầu, đấu giá là vi phạm Luật đầu tư và Luật quản lý tài sản nhà nước.
Ngoài ra, khu đất cũng được giao và cho thuê không đúng đối tượng, doanh nghiệp thực hiện dự án được giao không đủ năng lực tài chính…
Từ đó, cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP thu hồi lại toàn bộ diện tích khu nhà đất nói trên để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách. Đồng thời xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý cho Công ty Lavenue.
Đến 8.12, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Hoài Nam - Bí thư Quận uỷ Quận 2; ông Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM và Trương Văn Út, nguyên phó Trưởng phòng quản lý đất cũng thuộc Sở này.
Theo giới luật sư, trong quyết định thu hồi đất, nếu Lavenue hay KIDO với vai trò là cổ đông chiến lược, thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có thể khởi kiện UBND.TPHCM ra tòa về quyết định thu hồi này. Đó là quyền của doanh nghiệp.
“Nếu như trong trường hợp này, thành phố làm sai thì trên cơ sở xem xét hồ sơ vụ việc và nếu lợi ích của doanh nghiệp thực sự bị xâm phạm thì thành phố phải hoàn trả phần giá trị đầu tư vào dự án trên mảnh đất này cho doanh nghiệp bao gồm cả tiền thuê đất, tiền lãi suất vay vốn của doanh nghiệp…. Ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư (nếu doanh nghiệp đề nghị)”, 1 luật sư cho hay.
Xét về phía Thành phố, việc hoàn trả và đền bù cho doanh nghiệp là cần thiết bởi nhà nước cần bảo vệ môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.
KIDO thiệt nhất?
Trước khi có quyết định thu hồi, đất vàng đã được Công ty Lavenue thuê để đầu tư, xây dựng. Sau 6 lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, trong cơ cấu cổ đông của Lavenue có sự góp mặt của Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (Hoa Tháng Năm) tỷ lệ góp vốn 30%; Công ty TNHH Đầu tư KIDO 50% và HMTC góp 155 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ).
Như vậy, KIDO của ông Trần Kim Thành sẽ là doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất từ quyết định thu hồi đất của Thành phố bởi với tỷ lệ sở hữu 50%, về lý thuyết, Kido chính là công ty mẹ của Lavenue.
Tính tới thời điểm hiện tại, Lavenue đã chi xấp xỉ 1.500 tỷ đồng để thực hiện dự án, bao gồm 624 tỷ nộp tiền sử dụng đất cho TP.HCM, 23 tỷ nộp tiền thuê đất cho ngân sách nhà nước, 148 tỷ thuê tư vấn nước ngoài và 687 tỷ tiền lãi vay. Chính vì vậy, nếu dự án bị thu hồi, công ty sẽ phá sản, cán bộ nhân viên sẽ không có việc làm.
Về phía KIDO, công ty mẹ của Lavenue báo cáo tài chính cũng cho thấy, tập đoàn KIDO của ông Trần Kim Thành đã rót hơn 1.087 tỷ đồng vào liên doanh đầu tư khu đất vàng này.
Báo cáo tài chính KIDO |
Do dự án chưa triển khai nên trong năm 2017, KIDO của ông Trần Kim Thành phải chịu khoản lỗ gần 15 tỷ đồng từ dự án, khiến giá trị đầu tư giảm còn 1.072,5 tỷ.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, KDC của ông Trần Kim Thành tiếp tục gánh thêm khoản lỗ gần 1,1 tỷ đồng từ dự án này. Tính đến 30.9.2018, giá trị đầu tư của KDC chỉ còn 1.071,4 tỷ đồng.
Cũng phải nói thêm rằng, hoa Tháng Năm chỉ là cổ đông thứ yếu, nắm giữ 30% cổ phần Lavenue nên việc bà chủ Hoa Tháng Năm cũng chính là bà chủ của Lavenue cũng không phải điều gì quá bất thường nếu như được KIDO chấp thuận.
Tuy nhiên, với 1 doanh nghiệp mới thành lập, chưa có kinh nghiệp thực hiện dự án nào được các cổ đông tin tưởng giao phó ghế “nóng” lại là điều được xem là “bất thường” đối với không ít người? Bởi khi quyền lợi của Lavenue bị ảnh hưởng thì rõ ràng, KIDO sẽ là doanh nghiệp có gánh nặng tài chính lớn nhất.
Theo Dân Việt