Báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek vừa công bố cho biết, quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á hiện đạt giá trị 8 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 39%. Lĩnh vực gọi xe trực tuyến trong báo cáo này gồm mảng gọi xe để di chuyển và gọi thức ăn.
Đứng đầu về quy mô là Indonesia với giá trị thị trường đạt 3,7 tỷ USD. Việt Nam xếp hàng thứ 6 trong khu vực, với quy mô 500 triệu USD, lần lượt sau các nước là Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Quy mô thị trường gọi xe tại các nước Đông Nam Á. Nguồn: Google và Temasek |
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia về tốc độ tăng trưởng trong 3 năm qua và dự báo đến 2025. Năm 2015, thị trường gọi xe Việt Nam giá trị 200 triệu USD và sẽ đạt chạm mốc 2 tỷ USD vào 2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm của giai đoạn 2015-2018 là 41% và giai đoạn 2018-2025 là 29%.
"Kể từ khi ra mắt ở Đông Nam Á, các công ty gọi xe phát triển chủ yếu bằng cách tập trung vào việc thu hút người dùng và mở rộng phạm vi hoạt động, thúc đẩy chương trình khuyến mãi cho khách hàng, ưu đãi cho tài xế và tiếp thị để nâng cao nhận thức", báo cáo điểm lại chiến lược chung của các ứng dụng.
Báo cáo cho rằng, giai đoạn đầu kết thúc bằng việc Uber rút khỏi Đông Nam Á, các ứng dụng còn lại tranh thủ giành được sự yêu thích của người dùng bằng nhiều cách khác nhau. Có thể thấy, những gì diễn ra trong khu vực cũng hoàn toàn tương tự tại Việt Nam.
Tài xế mặc áo Mai Linh Bike đội nón Vato hỏi thăm đường tài xế Go-Viet tại TP.HCM. |
Tháng 3/2018, khi Uber chia tay thì với Grab "ngày vui ngắn chẳng tày gang". Go-Viet với sự hậu thuẫn của Go-Jek và hàng loạt ứng dụng nội địa lần lượt xuất hiện để cùng chia sẻ miếng bánh 500 triệu USD này. Mảng gọi xe di chuyển có ghi nhận các tên tuổi như Fastgo, Vato, Aber, Mai Linh... Mảng gọi thức ăn ngoài Now thì có thêm Lozi, Lala, AhaMove. Tất nhiên, Grab và Go-Viet cũng đang đối đầu khá gay gắt ở mảng này.
Chưa dừng lại đó, miếng bánh 500 triệu USD, và sẽ sớm thành 2 tỷ USD, lại tiếp tục có thêm người muốn chia. Gần đây, một ứng dụng gọi xe nội địa tên gọi là be đã úp mở ngày chào sân. "Chúng tôi mong muốn trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người Việt Nam", lời giới thiệu trên Fanpage chính thức của be có nội dung tương tự tầm nhìn mà lãnh đạo của Grab và Go-Viet từng nhiều lần đề cập.
Từ sáng 3/12, ứng dụng mới với đồng phục màu vàng sọc xanh đã bắt đầu mở tuyển dụng tài xế tại một văn phòng ở quận 2, TP.HCM. be cho biết sẽ triển khai dịch vụ gọi xe 2 bánh và 4 bánh là beBike và beCar. Ứng dụng hoạt động tại TP.HCM trước tiên nhưng ngày "lăn bánh" chưa được công bố.
Google và Temasek dự đoán rằng, thị trường gọi xe Đông Nam Á sẽ đạt gần 30 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm hơn 20 tỷ USD mảng di chuyển và 8 tỷ USD mảng giao thức ăn. Gọi xe là một trong 4 lĩnh vực cấu thành nền kinh tế Internet Đông Nam Á trong báo cáo của hai đơn vị này. Ba lĩnh vực còn lại là thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến và du lịch trực tuyến.
Theo đó, quy mô thị trường của cả 4 lĩnh vực là 72 tỷ USD. Riêng thị trường Việt Nam ước tính giá trị 9 tỷ USD vào năm 2018. Dự kiến, đến năm 2025, nền kinh tế Internet của Việt Nam đạt giá trị 33 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 3 Đông Nam Á.
Theo VNE