Giữ quan điểm không nhằm đáp lại chiến lược "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, nhưng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã đưa ra vài cảnh giác không đích danh trong "Đối thoại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" hôm 7/12 tại TP.HCM, do Diễn đàn Kinh tế châu Á (The Asian Economic Forum) tổ chức .
"Nguyên tắc là cái gì dường như quá tốt thì có khả năng là không có thật. Các khoản vay hạ tầng với những điều khoản thiếu minh bạch, trong các dự án có cơ sở kinh tế đáng ngờ, thường đi cùng những ràng buộc và dẫn đến nợ không thể trả", vị Đại sứ nêu kinh nghiệm.
Thay vào đó, tại sự kiện này, phía Mỹ mời gọi Việt Nam nói riêng và các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung tham gia vào "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương", một ý tưởng mà giới quan sát quốc tế cho rằng nhằm đối trọng với sáng kiến "Vàng đai, Con đường" của Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump đã từng đề cập đến tầm nhìn một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC ở Đà Nẵng năm ngoái. Trong kỳ APEC 2018, chiến lược này tiếp tục được nhấn mạnh.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2018. Ảnh: Reuters |
"Mỹ đưa ra một lựa chọn tốt hơn. Chúng tôi không khiến các đối tác chết đuối trong biển nợ. Chúng tôi không cưỡng bức hoặc gây tổn hại độc lập của một quốc gia. Mỹ giao dịch công khai và công bằng. Khi bạn hợp tác với chúng tôi, chúng tôi hợp tác với bạn và tất cả chúng ta đều thịnh vượng", Đại sứ thuật lại lời của Phó Tổng thống Mike Pence tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC vào tháng trước ở Papua New Guinea.
Hai năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã công bố hơn 1.500 dự án mới và hơn 61 tỷ USD đầu tư mới vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tổng đầu tư của Mỹ tại nơi đây hiện nay hơn 1.400 tỷ USD - cao hơn so với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.
Năm 2017, thương mại hai chiều của Mỹ với các nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đạt 1.800 tỷ USD. Do đó, nước này không muốn mất lợi thế kinh tế "thượng phong" từ lâu đời, khi mà "Vành đai, Con đường" đang khuấy động.
Nhằm giúp "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" sớm đi vào thực tế, tháng 7/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra các sáng kiến cụ thể về cơ sở hạ tầng, năng lượng và nền kinh tế kỹ thuật số. Với việc thông qua Đạo luật BUILD vào tháng 10, Mỹ đang thành lập Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế với khả năng đầu tư 60 tỷ USD vào khu vực này.
"Cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương chưa bao giờ mạnh mẽ hơn", ông Kritenbrink nói. Trọng tâm của chiến lược mà Mỹ đưa ra là kêu gọi các nước tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thay cho giải pháp nhận cách khoản vay giữa chính phủ với chính phủ.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, các nước đang phát triển ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cần 1.700 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng mỗi năm, hoặc 26 .000 tỷ USD vào năm 2030. "Không có chính phủ nào có số tiền này", vị đại sứ nói.
Ông cho biết, mục đích của Mỹ là mở ra sức mạnh của khu vực tư nhân, với 70.000 tỷ USD của họ đang nằm trong các trung tâm tài chính của thế giới. "Chỉ khi các quốc gia chào đón đầu tư tư nhân thì hàng nghìn tỷ USD đó sẽ được đưa ra ngoài, chảy vào nền kinh tế, xây dựng các doanh nghiệp sản xuất, tạo ra công ăn việc làm và thịnh vượng", ông phân tích.
Tác động đến Việt Nam
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với sáng kiến "Ấn Độ - Thái Bình Dương" thì Đông Nam Á chính là trung tâm để kết nối. Việc cần làm là tăng đối thoại để có đồng thuận chung và hành động cụ thể. Ngoài ra, nội dung sáng kiến cần được mở rộng.
"Ngoài những trụ cột về năng lượng, cơ sở hạ tầng thì cần quan tâm thêm các startup và SME. Phải làm sao để sự kết nối không chỉ có ở mức các tập đoàn xuyên quốc gia mà còn kết nối cộng đồng kinh tế nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề của kết nối hiện nay là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau", ông Lộc đề xuất.
Các chuyên gia thảo luận tại "Đối thoại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" |
Trong "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" tại Việt Nam, Mỹ xác định năng lượng là lĩnh vực ưu tiên để đầu tư, bao gồm phát điện, thăm dò dầu khí, dự án về khí tự nhiên, gió và năng lượng mặt trời.
"Việt Nam có nhu cầu phát triển các dự án khí hóa lỏng và doanh nghiệp tư nhân Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm, khả năng triển khai. Do đó, Việt Nam cần tạo chính sách thuận lợi hơn, đặc biệt là rút ngắn thời gian cấp phép", ông Robert Gabor - Tham tán Thương mại Mỹ ở Việt Nam nhận định.
Ông Phạm Quang Vinh - Thứ trưởng Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ bình luận, Việt Nam luôn cam kết cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. "Chúng tôi muốn tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông nói và khẳng định các quan ngại về Luật An ninh mạng đang được Chính phủ cân nhắc, xem xét nhằm ban hành nghị định hướng dẫn có được điểm cân bằng giữa an ninh an toàn mạng quốc gia với phát triển kinh tế, tuân thủ các cam kết hội nhập.
Trả lời câu hỏi của Bloomberg về khả năng Việt Nam là điểm ngắm chiến tranh thương mại của ông Trump sau Trung Quốc, ông Robert Gabor đưa ra khuyến nghị Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 về thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ. Do đó, Việt Nam nên cẩn trọng để không tạo ra những rào chắn tương tự như Trung Quốc, đồng thời cần tạo ra một môi trường hấp dẫn cho tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng.
Bà Barbara Weisel - Giám đốc Rock Creek Global Advisors cho rằng, không chỉ có Mỹ mà nhiều quốc gia đang dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam như một điểm đến ấn tượng hơn. "Vấn đề giúp Việt Nam khác biệt những quốc gia khác là chính sách theo đuổi các chuẩn mực hội nhập cao (ví dụ EVTFA và CPTPP), không cản trở quá trình đầu tư và phát triển", bà dành lời khen nhưng cũng nhắc rằng Việt Nam cần nỗ lực tăng tính cạnh tranh thêm nữa.
Theo VNE