|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump khi gặp nhau tại Hội nghị G20 ở Argentina hôm 1/12. Ảnh: Telegraph. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua ca ngợi cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina "rất phi thường", khẳng định quan hệ hai nước đã đạt được bước nhảy lớn và kỳ vọng vào "những điều rất tuyệt vời sẽ diễn ra", sau khi lãnh đạo hai nước thống nhất không áp thêm thuế vào hàng hoá của nhau và Trung Quốc đồng ý mua "một lượng đáng kể" hàng hóa khác từ Mỹ.
Giới quan sát phân tích đánh giá đây là một quyết định "đình chiến" giữa Washington và Bắc Kinh, nhằm ngăn chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng thời kỳ hòa hoãn này có thể rất ngắn ngủi, khi nhiều mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự vẫn tồn tại âm ỉ, sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào.
Trong một bài viết trên tờ The Hill,Harry J. Kazianis, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, cho rằng giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay tồn tại hai tầm nhìn hoàn toàn đối lập về diện mạo thế giới thế kỷ 21 cũng như quốc gia đóng vai trò thống trị thế giới đó.
Với Trung Quốc, thế kỷ 21 là kỷ nguyên để họ trỗi dậy sau thời gian dài chịu nhiều thiệt thòi. Bắc Kinh coi châu Á là "địa bàn tự nhiên" cho ảnh hưởng của mình và các cường quốc phương Tây đang cướp đoạt ảnh hưởng đó bằng cách lợi dụng điểm yếu của Trung Quốc để phục vụ cho lợi ích của mình.
Giờ đây, khi đã sở hữu nền kinh tế 12 nghìn tỷ USD và lực lượng quân đội được hiện đại hóa mạnh mẽ, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nhanh chóng khẳng định rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để thống lĩnh châu Á. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng sức ép để giải quyết vấn đề Đài Loan, biến Biển Đông và Biển Hoa Đông thành "ao nhà" của mình và cạnh tranh trực tiếp với Mỹ về thương mại, công nghệ bằng chính sách trợ giá cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Những mục tiêu đầy tham vọng này có thể giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường, một thế lực thống trị châu Á, nhưng đồng thời cũng đẩy Bắc Kinh vào tầm ngắm của Washington. Trong tầm nhìn chiến lược của Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương là nơi họ đã duy trì ảnh hưởng từ lâu và hiện trạng mà họ thiết lập tại đây từ sau Thế chiến II, sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế đó.
Điều này thúc đẩy sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ với châu Á – Thái Bình Dương, bắt đầu từ chiến lược "xoay trục" hay "kiềm chế mềm" dưới thời tổng thống Obama. Mục tiêu của chiến lược này là tăng cường mạng lưới đồng minh và sự hiện diện quân sự của Mỹ, đồng thời thúc đẩy nỗ lực hợp tác với Trung Quốc để răn đe Bắc Kinh có bất cứ động thái nào nhằm xóa bỏ trật tự hiện nay trong khu vực.
Nhưng chiến lược này tỏ ra không hiệu quả trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ liên tục bị cắt giảm và Washington bị cuốn vào những cuộc xung đột khác ở Trung Đông cũng như cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đúng lúc đó, Donald Trump xuất hiện và trở thành Tổng thống Mỹ. Với lời khuyên từ các cố vấn có tư tưởng cứng rắn với Trung Quốc như Peter Navarro, Steve Bannon hay Robert Lighthizer, chính quyền Trump quyết định tung đòn nhắm vào Bắc Kinh một cách quyết liệt hơn, trên nhiều mặt trận hơn.
Trump tăng cường giao thiệp với Đài Loan, tăng ngân sách quốc phòng và nỗ lực tái xây dựng quân đội Mỹ theo hướng tập trung đối phó với "các siêu cường". Bên cạnh phát động chiến tranh thương mại, Trump còn gây thêm sức ép về chính trị, quân sự khi liên tục triển khai tàu chiến, máy bay tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump sẽ không chịu nhượng bộ trước Trung Quốc, dù cuộc chiến thương mại có hạ nhiệt hay không, theo Kazianis.
|
Phái đoàn Trung Quốc (trái) và Mỹ trong cuộc gặp Trump - Tập bên lề hội nghị G20. Ảnh: AFP. |
Chuyên gia này cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Trump tạo nên nhiều "mũi dùi" chĩa vào quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, làm gia tăng đáng kể nguy cơ nổ ra xung đột trong tương lai, dù cuộc chiến thương mại giữa hai nước có kết thúc hay không. Khi các tàu chiến, máy bay Mỹ và Trung Quốc cùng hoạt động gần nhau trên một vùng biển, vùng trời, chỉ một hiểu nhầm hay sai lầm của phi công, thủy thủ cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột.
Bài học lịch sử cho thấy những xung đột giữa các siêu cường thường dẫn tới chiến tranh và với những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến đó có thể hủy diệt cả nhân loại.
Giáo sư Amitai Etzioni thuộc Đại học George Washington cho biết Mỹ trên thực tế đã chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về mức độ xung đột và một kế hoạch tham chiến vẫn chưa được trình lên Nhà Trắng hay quốc hội. Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng cách hiệu quả nhất để tránh chiến tranh với Trung Quốc là yêu cầu Bắc Kinh tham gia vào trật tự thế giới tự do, thượng tôn pháp luật hiện nay, trong đó Mỹ tạo ra không gian đủ cho Trung Quốc trỗi dậy mà không làm suy giảm lợi ích cốt lõi của mình và đồng minh.
Tuy nhiên, hai cựu quan chức chính quyền Obama là Kurt Campbell và Ely Ratner gần đây cảnh báo rằng với tham vọng trỗi dậy của Bắc Kinh, việc đưa họ vào khuôn khổ của trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo hiện nay là điều bất khả thi. Ngay cả khi chính quyền Trump buộc Bắc Kinh thay đổi được hành vi thương mại, những mâu thuẫn khác vẫn tồn tại và Trung Quốc sẽ không thay đổi cách hành xử trên Biển Đông hay lập trường về vấn đề Đài Loan.
Theo bình luận viên Sulmaan Khan của Foreign Policy, khi nguy cơ tính toán sai lầm châm ngòi cho xung đột tăng lên, lãnh đạo Mỹ - Trung cần phải giữ cho mình cái đầu lạnh để tránh "làm những việc ngu ngốc". Washington và Bắc Kinh từng nhiều lần đứng bên bờ vực chiến tranh, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan 1995-1996, vụ Mỹ ném bom nhầm đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999, hay vụ trinh sát cơ Mỹ va chạm tiêm kích Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001. Lãnh đạo hai nước trong các cuộc khủng hoảng này đều cố gắng không đưa ra những quyết định vội vàng và giúp thế giới tránh một cuộc chiến kinh hoàng.
Tuy nhiên, Kazianis cũng cảnh báo rằng Trung Quốc hiện nay rất khác so với thời kỳ trước năm 2001, bởi sức mạnh và tham vọng của họ lớn hơn rất nhiều. "Một điều không thể nghi ngờ là quan hệ Mỹ - Trung như chúng ta từng biết đã không còn nữa. Hãy tận hưởng những thời khắc hòa hoãn, bởi chúng có thể không kéo dài được lâu", ông nói.
Theo VNE