|
Nếu đây là lần đầu bạn nghe thấy tên của Gionee, đây cũng có thể là lần cuối cùng. Đó là bởi vì Gionee, công ty từng bán được 32 triệu điện thoại một năm, đã phá sản. Thành lập năm 2002 tại Thâm Quyến - thủ phủ công nghệ của Trung Quốc, Gionee chuyên sản xuất điện thoại giá rẻ trước khi Xiaomi nổi tiếng. Công ty cũng gặt hái được một vài thành công tại nước ngoài, phổ biến ở các thị trường nhạy cảm với giá như Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Nigeria.
Hành trình “lên voi xuống chó” của Gionee thể hiện qua dữ liệu sau:
|
Thị phần điện thoại Gionee trên toàn cầu từ năm 2013 đến 2018. Nguồn: IDC/TechInAsia |
Năm 2016, thị trường smartphone chứng kiến một năm “tàu lượn siêu tốc”, trong đó Gionee nổi lên còn Apple và Samsung lại giảm doanh số, gợi ý về trật tự thế giới mới nơi các thiết bị Trung Quốc bắt đầu đánh chiếm người dùng khắp hành tinh. Gionee chiếm 2,2% trong số 1,5 tỷ smartphone được tiêu thụ trong năm ấy, tương đương với 32 triệu thiết bị Android, suýt có tên trong top 5 thương hiệu điện thoại toàn cầu.
Sự xuống dốc của Gionee đặc biệt trái ngược khi xếp cạnh Huawei:
Thị phần smartphone toàn cầu của Gionee (xanh) và Huawei (đỏ) từ năm 2013 đến 2018. Nguồn: IDC/TechInAsia |
Tại Trung Quốc, Gionee giảm mạnh từ 7% thị phần cuối năm 2016 xuống 0% trong tháng 9/2018, theo dữ liệu của IDC. Ngược lại, Huawei, Vivo, Oppo và Xiaomi đã gần như "bóp nghẹt"các thương hiệu nhỏ hơn trong các năm qua. Năm 2014, Trung Quốc có khoảng 500 nhà sản xuất smartphone nhưng 2 năm sau đó, con số này chỉ còn 100. Ngoài việc bị kìm kẹp với 4 hãng điện thoại lớn nhất nước, các thương hiệu nhỏ cũng chịu ảnh hưởng từ suy thoái trên thị trường smartphone nói chung.
Theo Tech In Asia, khi gửi email đến một số nhân viên Gionee, người dùng nhận được thư trả lời tự động rằng "người nhận không tồn tại". Tuy vậy, các website chính của công ty vẫn có thể truy cập. Tuần trước, một tòa án Thâm Quyến chấp nhận đơn xin phá sản của Gionee và doanh nghiệp này đang nợ tổng cộng 2,9 tỷ USD của khoảng 648 chủ nợ.
Chủ tịch Gionee Liu Lirong là "con nghiện cờ bạc" |
Đầu năm nay, Chủ tịch Gionee Liu Lirong thừa nhận công ty đã mở rộng quá mức khi chi 1,4 tỷ USD cho tiếp thị và đầu tư. Không chỉ có vậy, Liu còn gây sốc khi tháng trước bị lộ thân phận là một "con nghiện" cờ bạc, thua 144 triệu USD tại các sòng bài. Song, ông này khẳng định không dùng tiền công ty để đánh bài. Dù công ty phá sản, ông vẫn hy vọng vực dậy Gionee trong 3-5 năm. Mới đây, Gionee đã thuê các nhà cố vấn để tái cấu trúc và vạch ra kế hoạch thoát khỏi mớ hỗn độn.
Bên cạnh Gionee, một người chơi khác của ngành công nghệ Trung Quốc là Ofo, một trong hai ứng dụng chia sẻ xe đạp hàng đầu, cũng đang cân nhắc phá sản do thua lỗ.
Theo ICTnews