Từ những thủ tục “mê hồn trận”….
Là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam luôn có những đóng góp ý kiến đáng chú ý, trong đó ông đánh giá, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng còn quá phức tạp, rườm rà như làm khó nhà đầu tư. “Sự chồng chéo của pháp luật có thể nói là rào cản lớn nhất trong cải tiến thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người nói với tôi rằng họ như lạc vào “mê hồn trận” khi có khoảng một chục luật đang chi phối hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng thiếu nhất quán, chồng chéo nhau”, ông Hiệp than thở.
Cũng theo lãnh đạo GP-Invest, cách thức tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng thiếu khoa học, làm tăng sự phức tạp và tốn kém. Để thẩm định một dự án, chắc chắn doanh nghiệp phải làm việc với các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an về phòng cháy chữa cháy và cả Bộ Quốc phòng về chiều cao tĩnh của công trình.
Dự án cấp thành phố như Hà Nội, để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Sở Kế hoạch – Đầu tư là đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Theo quy định, nếu hồ sơ hợp lệ thì sau 15 ngày có kết quả. Nhưng trên thực tế, Sở này lại gửi văn bản hỏi ý kiến tới các Sở Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế và UBND quận nơi có dự án. Như vậy, thực chất phải qua 6 cửa mà cuối cùng doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với tất cả 6 cửa này để giải quyết công việc. Chính vì vậy, từ 1 thủ tục thành 6 thủ tục và thời gian kéo dài từ 5-6 tháng. Tính ra, một dự án từ khi bắt đầu làm thủ tục phải chuẩn bị từ 2 đến 3 năm mà có khi còn không xong. Do vậy, vị lãnh đạo này kiến nghị cần thay đổi, để giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.
Từ những kiến nghị của GP-Invest và nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp khác về thủ tục cấp phép xây dựng, ngày 13/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Cụ thể, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng từ 82 ngày xuống còn tối đa 63 ngày. Sau đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các bộ, ngành liên quan đã rất tích cực rà soát, thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng.
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã và đang tiếp tục được cải cách hiệu quả. |
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Câu chuyện nêu trên là một ví dụ để thấy rằng, thời gian qua, Chính phủ hết sức nỗ lực “phát quang rừng” thủ tục, liên tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh cản trở sự phát triển, gây khó cho doanh nghiệp, để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng.
Theo thống kê từ Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, đến nay Chính phủ đã ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 108,1%, vượt 8,1% so với mục tiêu đề ra); Chính phủ, các bộ, cơ quan đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với mục tiêu đề ra). Theo báo cáo từ các bộ, ngành với số liệu cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của 8 Bộ cho thấy đã giúp tiết kiệm gần 17,5 triệu ngày công/năm, tương đương 6.279,2 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, những hoạt động cụ thể của Chính phủ nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh cho thấy sự cải cách đang đi đúng hướng, hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn. Khác biệt lớn từ nhiệm kỳ này là Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã rất quyết liệt chỉ đạo cụ thể, liên tục nhằm tạo áp lực để các bộ, ngành, cơ quan thực hiện Nghị quyết 19.
Đặc biệt, Chính phủ cũng thể hiện sự quyết tâm, đi đầu của cơ quan điều hành vĩ mô trước mục tiêu vì các doanh nghiệp, thông qua việc ban hành một số văn bản gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp. Nhờ đó, đã có những kết quả khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường khi chất lượng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện.
Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, trong hơn một năm qua, Chính phủ đã có những bước tiến tích cực, quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đồng đều. Các chương trình cắt giảm được thực hiện bài bản, có sự giám sát, chỉ đạo và mục tiêu cụ thể.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh, năm 2019 tiếp tục cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu năm 2019 phải đơn giản ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. “Chỉ có sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Xếp hạng về môi trường kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt, Việt Nam đã tăng 21 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 90 lên thứ 69). Hơn 50% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh năm 2018 tốt hơn so với trước. |
Theo Infonet