Sau ngày đầu tiên đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo tất cả đều tốt đẹp.
Dù bình luận ngắn gọn như vậy nhưng ông Mnuchin là người “tiết lộ” nhiều nhất trong khi các đồng nghiệp như cố vấn kinh tế Larry Kudlow từ chối trả lời phóng viên, còn Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liao Min chỉ nói ông đang chuẩn bị đi ăn tối.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Ảnh: The Atlantic) |
Trước đó trong cùng ngày, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer - sau khi chào mừng đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Liu He dẫn đầu - nói đùa về việc nhiều vị khách tại bữa tối trong dịp ông Trump và ông Tập gặp nhau tại Argentina bị cắt khỏi khung hình mà các hãng truyền thông ghi lại.
“Nếu ông ngồi bên phải (Tổng thống Trump) thì ông đã nổi tiếng. Nếu ông ngồi bên trái thì không xuất hiện trong hình.”
Dù câu nói đùa của ông Lighthizer khiến các nhà đàm phán có một tràng cười, song căng thẳng giữa hai phái đoàn vẫn hiện hữu, theo SCMP, đặc biệt cố vấn thương mại Peter Navarro tỏ ra lạnh lùng suốt cuộc họp.
Cuộc gặp hai phái đoàn Mỹ - Trung tại Argentina đầu tháng 12/2018. (Ảnh: SCMP) |
Các cuộc đàm phán giữa 16 quan chức (8 người mỗi bên) sẽ tiếp tục ngày 31/1 (giờ địa phương), sau đó ông Liu dự kiến gặp Tổng thống Trump tại phòng Bầu dục.
Theo Nhà Trắng, phái đoàn Mỹ bao gồm ông Lighthizer, Mnuchin, Navarro, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Trưởng đàm phán nông nghiệp USTR Gregg Doug, Thứ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế David Malpass, và Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish.
Ngoài ông Liu và Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Yi Gang, Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen và Thứ trưởng tài chính Liao Min, đội Trung Quốc bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Ning Jizhe, Thứ trưởng Ngoại giao Zheng Zeguang, Thứ trưởng Nông nghiệp Han Jun, và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Luo Wen.
Thời gian 90 ngày "đình chiến" đang dần tới hạn chót, Mỹ gia tăng áp lực lên Trung Quốc để đạt được thỏa thuận không chỉ thu hẹp thâm hụt thương mại sâu của Mỹ với Trung Quốc, mà tạo ra những thay đổi cơ cấu với nền kinh tế Trung Quốc. Vấn đề được ưu tiên hàng đầu đó là loại bỏ liên doanh và chuyển giao công nghệ bắt buộc với các công ty Mỹ, cho phép họ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán bao gồm bốn lĩnh vực lớn. Một là, tên và số lượng mặt hàng Mỹ mà Trung Quốc sẽ cam kết mua để thu hẹp thâm hụt thương mại. Hai là, những gì Trung Quốc có thể làm để thể hiện sự tiến bộ về bãi bỏ các quy định. Thứ ba, là giải quyết vấn đề cơ cấu ở Trung Quốc - tiếp cận thị trường, vấn đề sở hữu trí tuệ và tầm nhìn Trung Quốc 2025 (nhằm mục đích biến nước này thành cường quốc công nghệ toàn cầu vào năm 2025). Thứ tư, là quy trình thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào.
Theo VTC