|
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đòi Trung Quốc phải “báo cáo định kỳ” |
Washington cũng có thể áp thuế cao trở lại nếu họ thấy rằng Bắc Kinh đã vi phạm thỏa ước, theo một số nguồn tin được biết nội dung các cuộc đàm phán giữa hai nền Kinh tế lớn nhất Thế giới đang diễn ra cho Reuters biết.
Lời đe dọa tiếp tục áp thuế đang lửng lơ trong quan hệ Mỹ-Trung có nghĩa là kể cả có một thỏa thuận ra đời, điều đó cũng không làm biến mất những nguy cơ trong đầu tư làm ăn, hoặc sở hữu tài sản liên quan/bị tác động từ cuộc chiến Thương mại.
“Nguy cơ hàng hóa bị áp thuế không mất đi, ngay cả khi có thỏa thuận Thương mại”, một trong ba nguồn tin nói với Reuters. Theo nguồn tin, các Nhà đàm phán không thích thú gì với ý tưởng thường xuyên bị kiểm tra, nhưng đề nghị của phía Mỹ “không làm chệch đường ray các cuộc đàm phán”.
Một nguồn tin từ phía Trung Quốc nói Mỹ muốn “đánh giá định kỳ” nhưng chưa rõ tần suất “định kỳ” này là ở mức độ nào.
“Việc này (kiểm tra định kỳ) có vẻ giống như một sự sỉ nhục” nguồn tin nói. “Nhưng có lẽ hai bên có thể tìm ra phương cách để giữ thể diện cho chính phủ Trung Quốc”.
Chính quyền của ông Donald Trump đã áp thuế tăng thêm đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh phải đáp ứng một danh sách dài các yêu cầu đủ để viết lại “một chương mới” trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Washington yêu cầu Bắc Kinh phải thay đổi chính sách đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ giá công nghiệp và các hàng rào Thương mại khác.
Việc đảm bảo thực thi và quá trình thẩm tra như kể trên có thể xem là bất thường trong các thỏa thuận Thương mại và nó có vẻ giống như tiến trình trừng phạt Kinh tế, giống như các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp dụng với Triều Tiên và Iran.
Các tranh cãi về Thương mại thường được xử lý qua tòa án, tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trọng tài hoặc cơ chế giải quyết tranh chấp đã được xây dựng trong các Hiệp định Thương mại.
Chính quyền của ông Trump đã chỉ trích WTO vì “không buộc được Trung Quốc phải chịu trách nhiệm” do đã không thực thi những cải cách thị trường như đã hứa hẹn. Mỹ cũng chỉ trích cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và yêu cầu tổ chức này phải cải tổ.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng việc xem xét thường xuyên (các cam kết và việc thực thi) có thể là một giải pháp thỏa mãn đòi hỏi từ Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer về chuyện thẩm tra các thỏa thuận thương mại hiện hành giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo nguồn tin, đe dọa áp thuế được sử dụng để buộc các cải tổ (từ phía Trung Quốc) được thực thi đúng tiến độ. Ông Lighthizer là người đang dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ.
Ý tưởng “mỗi Quý tổng kết một lần” là một phần tài liệu của phía Mỹ liên quan đến đàm phán Thương mại Mỹ-Trung bị rò rỉ sau các cuộc hội đàm hồi tháng 5/2018, trước khi Mỹ áp đợt thuế tăng thêm đầu tiên đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Quay trở lại với ý tưởng “tổng kết, kiểm tra định kỳ” lần này, phía Mỹ đưa thêm ý tưởng mới là đe dọa áp thuế, chứng tỏ sự không tin tưởng giữa đôi bên đã không ngừng gia tăng.
Thẩm tra kỹ lưỡng là việc cần thiết và cần được thực thi dựa trên những tiêu chí cụ thể, đi kèm biện pháp trừng phạt nếu một bên (ở đây là Trung Quốc) không đáp ứng những yêu cầu đặt ra trước đó, Erin Ennis, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung, tổ chức đại diện các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, nói.
Theo Tiền Phong