CEO Vietjet: "Cần phát huy nguồn lực tư nhân thành đầu tàu Kinh tế"

Thứ sáu, 18/01/2019, 08:48
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất xây dựng những tập đoàn tư nhân mang thương hiệu Quốc gia như Samsung, Toyota.

Chiều 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã đồng chủ trì phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững" tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. Phiên đối thoại còn có sự tham gia của cựu thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.

Trong bối cảnh Hội nhập và phát triển Kinh tế mạnh mẽ, khu vực Kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy nền Kinh tế Việt Nam, phiên thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn về phát triển Kinh tế tư nhân và củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài được quan tâm đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air là đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân đã có phát biểu, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.

"Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào khu vực Kinh tế tư nhân và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì sẽ tiếp nối những thành công và kéo theo đó là sự phát triển thịnh vượng của đất nước", CEO Vietjet dẫn lại lời một lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong phần mở đầu chia sẻ của mình.

Mỗi năm Kinh tế tư nhân đang tạo ra 1,2 triệu việc làm, hiện có khoảng trên 750.000 doanh nghiệp đóng góp tới 43% GDP. Riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP. Chính phủ đã đưa thông điệp mạnh mẽ về một chính phủ kiến tạo, trong sạch, một chính phủ hành động với những động thái "cởi trói" về cơ chế, thể chế cho Kinh tế tư nhân phát triển với hàng loạt các hoạt động.

Trong ngành Hàng không, nữ CEO cho biết, sự tấp nập của 21 Cảng Hàng không trên cả nước phản ánh sức sống của nền Kinh tế Việt Nam khi có thống kê rằng cứ 1% tăng trưởng của Hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4-0,5% GDP và điều này cũng đúng ở Việt Nam khi Hàng không tăng trưởng bình quân 14-15% các năm qua còn GDP đạt trên dưới 7%.

CEO Vietjet có những phát biểu ấn tượng trong phiên đối thoại về triển vọng phát triển kinh tế.

Bà Thảo nhấn mạnh, Hàng không tư nhân đóng góp tới 70% trong kết quả tăng trưởng chung của ngành Hàng không. Đơn cử, năm 2018, Vietjet đóng góp vận chuyển 23,16 triệu lượt khách trong số 49,3 triệu khách của toàn ngành, thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 39 đường bay nội địa và 66 đường bay quốc tế tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Hong Kong, Trung Quốc.

Doanh nghiệp đồng thời thu hút đầu tư và du khách tới Việt Nam qua những chuyến bay được cộng đồng hàng không quốc tế đánh giá chất lượng cao. Tổng doanh thu đạt 52.135 tỷ đồng, công ty tiếp tục nằm trong nhóm 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất của cả nước với số tiền thuế, phí thu nộp ngân sách lên tới 6.193 tỷ đồng, tăng 47,5% so với năm 2017 và tương đương với một tỉnh trung bình.

"Chúng tôi vui khi mang đến cơ hội bay cho hàng triệu người, là nhân tố thúc đẩy những đổi mới tích cực của ngành hàng không Việt Nam từ luật pháp chính sách, tới phương thức quản lý và kế hoạch liên tục mở rộng, nâng cấp xây mới các sân bay, phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không", nữ CEO cho biết.

Trong những năm qua, Vietjet thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay, động cơ và các trang thiết bị kỹ thuật mà không làm tăng nợ quốc gia. Hãng hàng không đồng thời thu hút sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vào các khu công nghiệp ở Việt Nam, thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, Học viện hàng không.

CEO Vietjet cho biết có cơ chế chính sách sẽ phát huy nguồn lực tư nhân.

Học viện Hàng không của Vietjet được đánh giá hiện đại, với thiết bị buồng lái mô phỏng đào tạo phi công tầm vóc Quốc tế và Khu vực. Cơ sở này đã khai trương vào dịp Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam tháng 11/2018.

Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á cũng chia sẻ một số đề xuất ở vai trò của một doanh nhân tới Thủ tướng, Chính phủ để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đó, CEO Vietjet kiến nghị đẩy nhanh hơn tốc độ tái cơ cấu, cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng để hạn chế gây ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng. Bà cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách, biện pháp để khai thác tốt nguồn lực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng Hàng không, sân bay, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng trên toàn Xã hội.

Theo VNE

Các tin cũ hơn