|
Các doanh nghiệp như Grab đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành vận tải Việt Nam |
Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có những chia sẻ về quan điểm của Bộ đối với hoạt động cũng như phương hướng quản lý đối với các mô hình kinh tế chia sẻ như Grab, Go-Viet
Khuyến khích taxi ứng dụng công nghệ
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu đối với tất cả các ngành, lĩnh vực và Bộ GTVT cũng đang chủ động để thích ứng với xu hướng mới này. Trong thời gian qua, ngành GTVT cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, điển hình là sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ như là Uber và Grab hoặc là Go-Viet. Bộ trưởng đánh giá đây là những mô hình vận tải mới rất tốt, giúp kết nối giữa nguời sử dụng và người phục vụ một cách tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất, đặc biệt là giảm được chi phí xã hội rất lớn.
"Dưới quan điểm của cơ quan quản lý, Bộ GTVT đánh giá cao hoạt động của Grab, Go-Viet và luôn khuyến khích các doanh nghiệp taxi truyền thống áp dụng công nghệ mới để kết nối với các khách hàng. Nếu có thể "phủ sóng" toàn bộ việc ứng dụng công nghệ đối với tất cả các doanh nghiệp taxi truyền thống, ngành vận tải sẽ phát triển nhanh chóng, vừa có thể quản lý chặt theo quy định pháp luật, vừa có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí cho xã hội" - ông Thể nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã gửi công văn tới Sở GTVT 4 tỉnh: Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Định, Gia Lai cho phép một số doanh nghiệp taxi đủ điều kiện được phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm (như mô hình GrabTaxi) để triển khai việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động vận tải taxi, đồng thời nêu quan điểm luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự thuận lợi cho người dân.
Thực tế, không chỉ các cơ quan quản lý, bản thân rất nhiều doanh nghiệp taxi đã nhanh chóng thích ứng xu hướng mới, kết hợp với Grab triển khai hoạt động GrabTaxi. Một số hãng taxi truyền thống nhanh chóng ghi nhận doanh thu tăng ít nhất từ 30 - 40% sau khi ứng dụng công nghệ. Việc quản lý phương tiện cũng hiệu quả hơn và bản thân tài xế, người tiêu dùng đều hưởng lợi.
Bộ GTVT khẳng định ủng hộ mô hình kinh tế chia sẻ như Grab, Go-Viet |
Nghị định 86 sẽ không triệt tiêu cái mới
Sau 6 lần chỉnh sửa dự thảo, Nghị định 86 sửa đổi đến giờ vẫn chưa được ban hành. Việc chậm trễ có khung pháp lý là nguyên nhân chính gây ra nhiều xáo động trong thị trường vận tải Việt Nam thời gian qua. "Ông trùm" taxi truyền thống Vinasun và Grab lôi nhau ra tòa, loạt cái tên mới như FastGo, Aber, VATO... xuất hiện nhưng vẫn hoạt động ngoài vòng kiểm soát... tất cả đều chưa có hướng giải quyết thích đáng vì còn chờ một chính sách cụ thể, nhất quán.
Đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận hiện nay công tác quản lý chưa chặt chẽ do Grab, Uber là mô hình mới mới thí điểm ở Việt Nam, thậm chí đối với thế giới cũng vẫn là mới. Tất nhiên trong thời gian thí điểm không thể tránh khỏi những thiếu sót, bất cập nhưng tất cả những bất cập này sẽ phải được giải quyết khi ban hành nghị định 86 sửa đổi.
"Bộ GTVT đang rất cẩn trọng trong việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86. Đây là mô hình hoàn toàn mới, nhạy cảm, có nhiều quan điểm khác nhau nhưng chúng tôi khẳng định Nghị định 86 sửa đổi và quan điểm xuyên suốt của Bộ GTVT là khuyến khích phát triển công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng các phần mềm, bán phần mềm cho các hãng taxi, các hãng vận tải. Do đó khung pháp lý mới chắc chắn sẽ không triệt tiêu khoa học công nghệ, không đi ngược lại xu thế của cách mạng 4.0" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Theo Thanh Niên