|
The Wall Street Journal đưa tin này rạng sáng nay 17.1. Các bí mật thương mại mà Huawei bị tố đánh cắp bao gồm công nghệ đằng sau thiết bị robot có tên “Tappy” mà hãng Mỹ T-Mobile dùng để thử smartphone.
Cuộc điều tra hình sự xuất phát từ vụ kiện dân sự chống lại Huawei được đệ trình lên Tòa án quận Seattle năm 2014. Khi đó, T-Mobile cho rằng Huawei đánh cắp công nghệ độc quyền của công ty, “lạm dụng mối quan hệ với tư cách là nhà cung ứng điện thoại cho T-Mobile, sao chép thông số kỹ thuật của robot và lấy cắp nhiều bộ phận, phần mềm và các bí mật thương mại khác”, theo CNBC.
Bồi thẩm đoàn Seattle nhận thấy Huawei có nghĩa vụ pháp lý vì cuỗm công nghệ robot từ phòng thí nghiệm ở Bellevue, bang Washington của T-Mobile. Hai bên đấu tranh pháp lý một thời gian đến năm 2017, bồi thẩm đoàn phán xử T-Mobile được bồi thường 4,8 triệu USD.
Cuộc điều tra hình sự nhằm vào Huawei lần này đang dần tới hồi kết, có thể sớm đi đến cáo trạng. Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ và phát ngôn viên Huawei đều từ chối bình luận.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi trong ảnh chụp ngày 15.1 |
Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi áp lực mà hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc phải gánh ở phương Tây. Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất kiêm nhà sản xuất smartphone lớn nhì toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang cáo buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.
Riêng Huawei từ lâu đã bị giới chức Mỹ giám sát chặt chẽ. Mỹ cấm Huawei cung cấp thiết bị cho các nhà mạng lớn trong nước vì lo ngại chúng có thể được dùng để do thám dân Mỹ. Huawei nhiều lần phủ nhận cáo buộc thiết bị của mình có chứa rủi ro an ninh, khẳng định doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhân viên và hoạt động độc lập với Bắc Kinh.