New York Times: Tổng thống Trump cân nhắc rút Mỹ khỏi NATO

Thứ ba, 15/01/2019, 16:11
Tờ New York Times ngày 14/1 đưa tin Tổng thống Mỹ một lần nữa thể hiện mong muốn rút khỏi NATO, trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ về những mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền của ông với Matxcơva.

Theo New York Times (NYT), năm 2018, ông Trump từng đe dọa và nhiều lần nói sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO, liên minh quân sự giữa Mỹ, châu Âu, Canada, được cho là tổ chức đã “ngăn chặn sự hung hăng của Nga” trong suốt 70 năm qua.

Mùa hè năm 2018, thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh của NATO, ông Trump nói với các quan chức an ninh hàng đầu rằng ông không thấy tác dụng của liên minh quân sự này, cho rằng tổ chức đang làm suy kiệt nước Mỹ.

Ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh John Bolton tại hội nghị thượng đỉnh của NATO năm 2018. (Ảnh: Doug Mills/The New York Times)

Thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (hiện đã từ chức), cố vấn an ninh John R. Bolton, đã cố gắng giữ chiến lược của Mỹ đi đúng hướng mà không đề cập đến khả năng rút lui có thể làm giảm ảnh hưởng đến vị trí của Washington ở châu Âu và tác động đến Nga trong nhiều thập niên, theo NYT.

Các quan chức Mỹ ủng hộ liên minh này lo ngại ông Trump có thể lại quay lại thực hiện ý định khi việc chi tiêu quân sự của các đồng minh tiếp tục không đạt được những yêu cầu ông đưa ra.

Theo nguồn tin của NYT, ông Trump nhắc lại mong muốn rút khỏi NATO khi có nhiều lo ngại trong giới quan chức an ninh trước thông tin Tổng thống Mỹ cố tình giữ bí mật các cuộc gặp của ông với người đồng cấp Nga Putin. Bên cạnh đó, cuộc điều tra của FBI vào mối quan hệ của chính quyền Trump với Nga tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngày 14/1, sau khi Nhà Trắng được yêu cầu bình luận về thông tin, một quan chức cấp cao dẫn bài phát biểu của ông Trump hồi tháng 7/2018 khi ông nói sự cam kết của Mỹ và NATO là “rất mạnh mẽ” và mối quan hệ đồng minh là “rất quan trọng”. Vị quan chức này từ chối bình luận chi tiết hơn.

Theo NYT, các quan chức an ninh Mỹ tin rằng Nga đã tập trung vào làm suy yếu sự đoàn kết giữa Mỹ và châu Âu sau khi sáp nhập Crưm năm 2014, với mục tiêu làm NATO chao đảo.

Bà Michèle A. Flournoy, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói rằng động thái rút khỏi liên minh sẽ là một trong những điều làm tổn hại nhất đến lợi ích của nước Mỹ. “Nó sẽ phá hủy 70 năm làm việc cật lực qua nhiều chính quyền, Cộng hòa và Dân chủ, để tạo ra một liên minh hùng mạnh và có lợi nhất trong lịch sử. Và đó sẽ là thành công khó tưởng tượng nhất mà Vladimir Putin có thể nghĩ đến.”

Theo NYT, việc ông Trump không thích các liên minh ở nước ngoài và các cam kết của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế không phải là điều gì mí mật. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần công khai thách thức hoặc rút khỏi một số quan hệ đối tác quân sự và kinh tế, từ hiệp định khí hậu Paris đến hiệp ước thương mại châu Á-Thái Bình Dương. Ông đặt dấu hỏi về mối liên minh quân sự của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria mà không hỏi ý kiến các đồng minh trong liên minh do Mỹ đứng đầu để đánh bại IS.

NATO đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp các nhà lãnh đạo ở Washington để kỷ niệm 70 năm thành lập vào tháng 4, giống như lễ kỷ niệm 50 năm được Tổng thống Bill Clinton tổ chức vào năm 1999. Nhưng cuộc họp năm nay đã thay đổi thành một cuộc họp cấp thấp hơn của các bộ trưởng ngoại giao, do một số nhà ngoại giao sợ rằng ông Trump có thể sử dụng cuộc họp thượng đỉnh Washington để tiếp tục "tấn công" vào liên minh.

Dù vậy, bất cứ động thái nào của ông Trump chống lại NATO gần như sẽ khiến Quốc hội Mỹ phản ứng, theo NYT. Chính sách của Mỹ đối với Nga là một trong những lĩnh vực mà các thành viên đảng Cộng hòa liên tục mâu thuẫn với ông Trump.

Bên cạnh đó, các thành viên NATO có thể rút khỏi tổ chức sau khi báo trước 1 năm, theo Điều 13 Hiệp ước Washington. Khoảng thời gian này có thể khiến Quốc hội Mỹ ngăn chặn nỗ lực rời khỏi tổ chức của Tổng thống.

Trong lá thư từ chức hồi tháng 12/2018, ông James Mattis đã dẫn cụ thể cam kết của mình đối với các liên minh của Mỹ trong khi ngầm chỉ trích các nguyên tắc của ông Trump. Ông Mattis ban đầu cho biết ông sẽ ở lại qua cuộc họp NATO tiếp theo vào cuối tháng 2, nhưng ông Trump đã đẩy ông ra đi trước năm mới.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick M. Shanahan được cho là ủng hộ liên minh. Nhưng ông cũng nói Lầu năm góc không nên là bộ phận xa cách đối với Tổng thống.

Các quan chức châu Âu và Mỹ cho biết sự hiện diện của ông Mattis, cựu chỉ huy hàng đầu của NATO, đã trấn an các đồng minh rằng một quan chức cao cấp của chính quyền Trump ủng hộ họ. Việc ông rời khỏi Lầu năm góc đã làm gia tăng sự lo lắng của một số nhà ngoại giao châu Âu rằng “chiếc chăn an toàn” hiện đã không còn.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Kết quả SXMT nhanh nhất