Vì sao Việt Nam là địa điểm lý tưởng để tổ chức hội nghị Mỹ-Triều lần 2?

Thứ ba, 15/01/2019, 09:56
Việc áp dụng thị trường tự do và có chung biên giới với Trung Quốc là 2 lý do chính để Việt Nam trở thành điểm lý tưởng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, theo SCMP.

Một vài ứng cử viên tiềm năng khác được đồn đoán sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un bao gồm Thái Lan, Hawaii và Singapore nhưng cuối tuần trước tờYomiuri Shimbun của Nhật đưa tin Tổng thống Trump đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vào giữa tháng 2 tại Việt Nam.

Một nguồn tin Trung Quốc nắm thông tin về cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tuần trước cũng khẳng định Việt Nam hiện là ứng viên hàng đầu cho cuộc hội đàm.

Các chuyên gia quan sát cho rằng Việt Nam là một cái tên phù hợp với cả Washington và Bình Nhưỡng khi Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên và được xem là đứng ở vị trí trung lập.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dự định hội đàm vào giữa tháng 2/2018.

Năm 2006, Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush từng phát đi tín hiệu về một sáng kiến Triều Tiên mới và đưa ra triển vọng kết thúc chiến tranh Triều Tiên lần đầu tiên trong một hội nghị tại Hà Nội.

Koh Yu-hwan, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk ở Seoul cho rằng việc có chung biên giới với Trung Quốc cũng là một lý do khiến Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng.

"Có thể di chuyển tới Việt Nam từ Trung Quốc đại lục. Điều đó giúp Bình Nhưỡng cảm thấy bớt đi gánh nặng trong vấn đề bảo đảm an ninh cho ông Kim", ông Koh phân tích.

Năm 2018 khi ông Kim và ông Trump gặp nhau ở Singapore, Trung Quốc đã phải hỗ trợ an ninh cho các chuyến bay của lãnh đạo Triều Tiên, đảm bảo chuyên cơ chở ông tránh xa các vùng ven biển để giảm thiểu các rủi ro an ninh.

Zhao Tong, nhà phân tích chính trị tới từ Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nhận định Việt Nam hội đủ tất cả các tiêu chuẩn cho cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 2 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

"Việt Nam đang ngày càng cởi mở và kết nối với cộng đồng quốc tế cùng tiềm năng tăng trưởng kinh tế - điều mà Triều Tiên đang nghiên cứu và học tập", Zhao phân tích. Ông nói thêm rằng bản thân Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên cũng ủng hộ việc Việt Nam đứng ra đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc “Đổi mới” chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo ông Koh, triển vọng phát triển kinh tế nhanh chóng sẽ khiến Triều Tiên nghĩ tới chuyện từ bỏ chương trình hạt nhân và Mỹ cũng có thể thông qua hội nghị ở Việt Nam, thuyết phục Bình Nhưỡng theo đuổi mô hình kinh tế như Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Sean King, một nhà cựu ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng tình hình của Triều Tiên hiện tại khác xa so với Việt Nam vào năm 1986.

"Việt Nam có thể mở của kinh tế sau khi 2 miền Nam Bắc thống nhất. Trong khi đó Triều Tiên không thể mạo hiểm mở cửa kinh tế khi mà ngay bên cạnh họ là một Hàn Quốc giàu có, lớn mạnh hơn", ông Sean phân tích.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích