Ngày 14.1, sau gần 1 tuần tạm hoãn, TAND TP.Hòa Bình mở lại phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngày 29.5.2017.
Tại phiên tòa, các luật sư (LS) đề nghị tạm hoãn phiên tòa do vắng một số bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như sức khỏe của bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình) không đảm bảo tham dự phiên tòa.
Sau khi tạm dừng phiên tòa để thảo luận về đề nghị hoãn phiên tòa của các luật sư, HĐXX cho rằng, vấn đề sức khỏe của bị cáo Lương cũng như sự vắng mặt của một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng tới việc xét xử nên quyết định không hoãn phiên tòa.
Tuy nhiên, trong phần nêu ý kiến sau đó, luật sư Phạm Quang Hưng, bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn, cho rằng bị cáo Lương được xác định là mắc bệnh liên quan tới trầm cảm, một chứng bệnh tâm thần, do đó đề nghị phải tiến hành giám định tâm thần của cơ quan chuyên môn, cụ thể là BV Tâm thần T.Ư 1 đối với bị cáo Lương, để đảm bảo những lời khai của bị cáo tại phiên tòa là của một người trong tình trạng sức khỏe bình thường, tránh ảnh hưởng tới kết quả xét xử.
Đại diện Viện KSND TP.Hòa Bình giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm, hội đồng chuyên môn của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình xác định bị cáo Lương chỉ bị rối loạn giấc ngủ. Khi chuyển lên tuyến trên, BV Bạch Mai (Hà Nội) không cho bị cáo Lương nhập viện mà chỉ kê đơn thuốc để về nhà uống. Tại phiên tòa, bị cáo Lương cũng chưa khai báo nên chưa có cơ sở đánh giá lời khai của bị cáo.
Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh cho rằng lời khai của bị cáo không phải là căn cứ duy nhất để HĐXX kết luận nên không đồng ý đề nghị giám định tâm thần đối với bị cáo Lương.
Theo Thanh Niên