Ngoài Việt Nam, một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Mông Cổ hay Singapore vẫn giữ phong tục đón Tết âm lịch. Nhưng chuyện bỏ, gộp, thay đổi Tết âm lịch gần như không phải là vấn đề được mang ra tranh luận.
“Đã có thời gian Trung Quốc tranh cãi gay gắt về vấn đề nghỉ lễ. Rất nhiều ý kiến cho rằng số ngày nghỉ lễ của Trung Quốc đang ở mức nhiều so với thế giới. Nghỉ lễ nhiều gây gián đoạn cho nền kinh tế. Nhưng dịp lễ được mang ra xem xét để cắt giảm là Tuần lễ vàng (Golden Week) thường kéo dài 7 ngày bắt đầu từ dịp Quốc khánh 1/10 chứ không phải là Tết”, Tiến sĩ Sin Harng Luh, Đại học Quốc gia Singapore, nói với PV.
Lý giải vì sao Trung Quốc và Hàn Quốc xem trọng dịp Tết Nguyên đán, bà Sin nói: “Ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, người lao động không được nghỉ phép có hưởng lương dễ dàng như ở các quốc gia khác. Phần vì luật định, phần vì văn hóa công sở. Do đó Tết chính là thời điểm người lao động có thể nghỉ mà không có cảm giác áy náy cũng không lo sợ bị mất ngày phép mình tích lũy.”
Người lao động ỏ Trung Quốc không được nghỉ phép có hưởng lương dễ dàng nên Tết Nguyên đán là dịp mà người lao động có thể yên tâm nghỉ ngơi. Ảnh: Reuters |
Ở hai quốc gia đa sắc tộc là Singapore hay Malaysia, Tết âm lịch rất được coi trọng. Bằng chứng là việc dịp Tết Nguyên đán luôn được chính phủ “ưu ái” cho người lao động nghỉ dài hơn 1 ngày so với các ngày lễ khác.
"Ở Singapore chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ Tết âm lịch cả" TS Sin Harng Luh, Đại học Quốc gia Singapore |
“Mặc dù là trung tâm tài chính lớn của châu Á và khu vực Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Singapore ‘nghỉ Tết’ 1-2 ngày. Có thể nói, ở Singapore chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ Tết âm lịch cả. Đây cũng chưa bao giờ là vấn đề phải mang ra bàn cãi”, bà Sin khẳng định.
“Xóa bỏ Tết” dường như cũng không phải vấn đề người Hàn Quốc đem ra tranh cãi. Tết âm lịch chỉ mới được công nhận chính thức ở Hàn Quốc mới chỉ vài thập kỷ gần đây, sau một thời gian dài đấu tranh không ngừng nghỉ của người dân nước này.
Người Hàn Quốc đấu tranh gần một thập kỷ để giành lại ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ảnh: TravelKorea |
Những năm cuối thế kỷ XIX, bán đảo Triều Tiên đặt dưới ách thống trị của Nhật Bản. Nhật Bản yêu cầu lịch âm là đối tượng được “ưu tiên xóa bỏ” hàng đầu; do vậy, Tết âm lịch bị gắn với cái tên Gujeong hay “Tết lỗi thời”. Việc ăn mừng dịp Tết âm lịch thời đó là điều cấm kỵ.
Trong bức thư được đăng trên nhật báo Dong-A Ilbo ngày 14/2/1924, một nhà văn Hàn Quốc đã phẫn uất vì không thể có một cái Tết Nguyên đán “theo đúng nghĩa” và mô tả 10 ngày Tết ăn theo lịch dương như thể là “ngày Tết của ai đó, chứ không phải của dân tộc mình”.
"10 ngày Tết ăn theo lịch dương như thể là “ngày Tết của ai đó, chứ không phải của dân tộc mình" Thư của một nhà văn Hàn Quốc đăng trên nhật báo Dong-A Ilbo ngày 14/2/1924 |
Sau khi độc lập khỏi Nhật Bản, Hàn Quốc khôi phục lịch âm của mình và đấu tranh giành lại ngày lễ cổ truyền. Một cuộc khảo sát năm 1985 cho thấy gần 90% người dân Hàn Quốc lúc bấy giờ muốn ăn Tết Nguyên đán. Điều này gây áp lực không nhỏ lên chính quyền lúc bấy giờ. Cuối cùng, sau gần một thế kỷ đấu tranh không ngừng nghỉ, đến năm 1989, ngày Tết âm lịch được coi là ngày lễ chính thức của Hàn Quốc, với cái tên Seollal, kèm theo 3 ngày nghỉ.
Trong khu vực Đông Á, Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi không ăn mừng năm mới theo lịch âm. Khi chiếm cứ bán đảo Triều Tiên, người Nhật lúc đó cũng đã thủ tiêu lịch âm của chính mình. Từ năm 1873 đến nay, Nhật Bản không còn lịch âm và đương nhiên cũng không ăn Tết theo đó.
"Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng" Công sứ Hideo Suzuki |
Tuy vậy, trả lời báo giới vài năm trước đây, công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki bày tỏ sự tiếc nuối của mình dành cho ngày Tết cổ truyền.
“Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng theo tôi, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng,” Công sứ Suzuki nói với báo Lao Động.
Trong cái nhìn của vị Công sứ, người Nhật trước nay đã quá căng thẳng và áp lực với công việc. Hình ảnh người Nhật làm việc quá sức rồi chết trên bàn làm việc không còn xa lạ. Già hóa và sụt giảm dân số là vấn đề nghiêm trọng nhất mà Nhật Bản đang phải đối mặt.
Múa lân chào đón Tết âm lịch ở khu phố Tàu, tỉnh Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
“Biết đâu có thêm thời gian nghỉ ngơi, hòa chung vào không khí lễ hội với các nước láng giềng mà người dân Nhật Bản từ đó có thể giải tỏa gánh nặng, khai thông được tiềm năng phát triển thì sao?”, ông Suzuki đặt vấn đề.
Nhưng trên hết, với vị Công sứ, việc khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền còn là nhân tố xúc tác liên kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc. Sự khao khát khôi phục Tết âm lịch của ông Suzuki cũng là sự khao khát của một bộ phận người Nhật Bản.
Người Nhật đi chùa cầu bình an cho năm mới. Ảnh: Reuters |
Cũng giống như người Việt Nam, người Nhật Bản cũng đi lễ đền, chùa để cầu mong may mắn, sức khỏe và tưởng nhớ tổ tiên. Điều làm nhiều người Nhật nuối tiếc nhất khi đón năm mới theo Tây lịch là sự lỡ hẹn với hoa anh đào.
“Tôi rất ganh tỵ với Việt Nam vì khi Tết cổ truyền đến cũng là vừa vặn hoa đào nở. Còn ở Nhật thời điểm tháng 1 đầu năm thường thời tiết còn rất lạnh, rất khó có thể cảm nhận mùa xuân mới đang về. Nếu được đón Tết theo lịch âm thì Tết đến cũng là lúc hoa anh đào nở, sắc xuân thật đẹp biết mấy!”, anh Koji Kiromatsu, một doanh nhân chuyên xuất khẩu đồ gỗ sang Việt Nam, nói với PV.
Anh Tachiro ước 1 lần được đón Tết Nguyên đán theo lịch âm như bao quốc gia láng giềng.
“ Dù sao, nhiều nước đón cùng chung một cái Tết giữa tiết trời vào xuân thì sẽ vui hơn,” anh nói.
Theo Zing