Lượng rau củ, trái cây Trung Quốc nhập về thị trường TP.HCM giảm dần trong những năm gần đây và giảm mạnh trong năm 2018.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là nơi nhập khẩu nông sản Trung Quốc lớn nhất TP.HCM. Năm 2018, nơi đây ghi nhận lượng rau Trung Quốc về chợ giảm 25% (tương đương 31.990 tấn), từ 127.787 tấn năm 2017 còn 95.797 tấn năm 2018. Lượng trái cây Trung Quốc về chợ cũng giảm 5,1% (tương đương 6.882 tấn), từ 135.398 tấn năm 2017 còn 128.517 tấn năm 2018.
Theo Ban quản lý Chợ đầu mối Thủ Đức, người tiêu dùng TP.HCM ngày càng quan tâm hơn đến an toàn thực phẩm, "sợ" rau củ, trái cây Trung Quốc nên bạn hàng giảm mua. Kết quả là lượng nông sản Trung Quốc về chợ giảm mạnh. Thay vào đó, rau củ trong nước tăng 8,8% với tổng cộng 550.565 tấn trong năm 2018.
Một cơ sở thu mua tại Lâm Đồng trộn khoai tây với đất đỏ |
Đối với ngành hàng trái cây, mặc dù TP.HCM ở sát "thủ phủ" trái cây ĐBSCL và trái cây trong nước đã chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn nhưng tiêu thụ lại giảm. Trong năm 2018, tổng cộng có 505.241 tấn trái cây nội địa về chợ Thủ Đức, giảm 62.827 tấn (tương đương 11,1%) so với năm 2017. Trong khi đó, trái cây nhập khẩu từ những thị trường khác Trung Quốc như Mỹ, Úc, New Zealand, Thái Lan, Ấn Độ, Canada… tăng mạnh 18,5%: từ 45.787 tấn trong năm 2017 lên 54.253 tấn trong năm 2018.
Cầm 1 túi hành tây Trung Quốc, chủ một cơ sở thu mua nông sản tại Lâm Đồng cho biết người trong nghề nhìn qua là phân biệt được ngay hành tây Trung Quốc hay Việt Nam nhưng người tiêu dùng rất khó nhận biết |
"Đã từng có nhiều lo ngại rau củ Trung Quốc (nhất là khoai tây) trộn lẫn, giả xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Ngay tại chợ đầu mối Thủ Đức, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng, bao gồm cả lực lượng công an kinh tế kiểm tra các ô vựa có kinh doanh rau củ Trung Quốc. Kết quả là thương nhân có đầy đủ chứng từ nhập khẩu, hàng Trung Quốc được để ở khu vực riêng, tách biệt với hàng Đà Lạt cùng chủng loại và công khai thông tin, giá bán 2 mặt hàng cho khách mua" – đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết và thông tin thêm, việc giả xuất xứ khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt có diễn ra nhưng tại các cơ sở thu mua nông sản ở Lâm Đồng.
Khoai tây từ Trung Quốc chở về các cơ sở thu mua, kinh doanh nông sản ở Đà Lạt, Đơn Dương (Lâm Đông) trộn với đất đỏ cao nguyên rồi đóng gói, giả xuất xứ Đà Lạt. Từ đây, khoai tây Đà Lạt "giả" không chuyển về các chợ đầu mối ở TP.HCM mà đi thẳng đến đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho hay hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn TP.HCM phát triển mạnh đã ảnh hưởng đến kênh bán lẻ truyền thống. Điển hình là tại chợ đầu mối Thủ Đức, lần đầu tiên kể từ khi thành lập chợ đến nay, lượng hàng nhập chợ năm sau thấp hơn năm trước: năm 2018 bình quân mỗi ngày 3.656 tấn, giảm 133 tấn (tương đương 3,5%) so với 2017. Hiện mỗi ngày chợ đầu mối Thủ Đức tiếp nhận, phân phối khoảng 150 chủng rau củ quả trong nước và nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Chi lê, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Newzeland, Canada … Trong đó, hầu hết là nhập trái cây, riêng Trung Quốc vừa nhập rau củ vừa nhập trái cây. |
Theo NLĐ