Không ứng dụng, không nhận khách theo đúng quy trình bắt đầu và kết thúc mỗi chuyến đi, tự ý nâng giá lên gấp 3-4 lần… là chiêu mà nhiều tài xế mang danh Grab lộng hành tại khu vực bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sau Tết.
Grab tự tiếp thị, hét giá gấp 3 lần
Ghi nhận của PV một tuần trở lại đây, khi người lao động và sinh viên bắt đầu trở lại làm việc, học tập tại TP.HCM sau Tết cũng là lúc hàng loạt tài xế trong bộ đồng phục màu áo xanh lá của Grab xuất hiện dày đặc xung quanh khu vực bến xe miền Đông.
Đây là điều lạ bởi theo tiết lộ trước đó của các tài xế Grab, khu vực bến xe, nhà ga, bệnh viện là nơi đối tác của các hãng xe ôm công nghệ… ngại lui tới. Nguyên nhân bởi các địa điểm này là nơi hoạt động từ trước đến nay của xe ôm truyền thống, chỉ khi có khách đặt xe thì tài xế mới nhận cuốc hoặc trả khách.
Một hành khách nhưng có đến 3 tài xế Grab cùng "tiếp thị" đi ngay, không cần đặt qua ứng dụng tại bến xe miền Đông. |
9h sáng 14/2, sau khi hai xe khách từ Phú Yên, Bình Định lần lượt vào bến xe miền Đông, có khoảng 30-40 hành khách có nhu cầu đặt xe công nghệ nhưng chỉ vài người đặt thành công, số đông còn lại đều thất bại khi ứng dụng thông báo không tìm thấy tài xế.
Chị Nguyễn Thùy Hương (ngụ quận Thủ Đức) cho biết chờ khoảng 15 phút nhưng vẫn chưa đặt được xe. Không đủ kiên nhẫn, chị đã ra cổng số 2 để tự tìm phương tiện về nhà thì thấy bên ngoài có hơn chục tài xế mặc đồng phục GrabBike, đứng rải rác và cụm thành từng nhóm hai bên đường Đinh Bộ Lĩnh.
Ngay sau đó, một người đàn ông khoảng 40 tuổi mặc áo Grab đã tiếp cận chị. Sau khi kiểm tra ứng dụng trên điện thoại, đối tượng này báo giá đoạn đường về khu vực ngã tư Thủ Đức là 210.000 đồng.
“Mức giá này cao gấp 2 lần ứng dụng của tôi báo, khi yêu cầu đặt xe qua ứng dụng rồi mới đi, gã này bỏ đi và còn dọa không đi thì chỉ có nước đi bộ về nhà”, chị Hương nói.
Ngay sau đó, chị Hương tìm được một xe ôm truyền thống ngay tại bến xe miền Đông với số tiền 100.000 đồng cùng cự ly mà đối tượng mang danh Grab hét hơn gấp 2 lần.
Mặc áo Grab nhưng không biết dùng ứng dụng
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Linh (ngụ quận 2) vừa vác túi xách ra khỏi cổng số 1 của bến xe miền Đông thì được một tài xế Grab chủ động tiếp thị giá đoạn đường về nhà là 120.000 đồng. Bình thường, chị đi quãng đường này là 40.000 đồng.
“Thấy tình hình không thể đặt xe được bằng ứng dụng, tôi phải đi ra bên ngoài xem thế nào. Khu vực cây xăng có đến 5-6 tài xế ngồi thành nhóm chờ khách, nhưng ai cũng đưa ra giá hơn 100.000 đồng”, chị Linh nói.
Ghi nhận của PV tại đây, thậm chí nhiều một số tài xế trong đồng phục Grab còn không thành thạo sử dụng ứng dụng của hãng. Khi được yêu cầu chở về chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), một đối tượng mất gần 10 phút để nhập điểm đến, thậm chí, có người phải để tài xế khác đến hướng dẫn.
Dù thắc mắc về việc rước khách không thông qua ứng dụng, khách hàng này vẫn chấp nhận đi, sau gần 15 phút không đặt được xe. |
Chia sẻ với PV, một tài xế xe ôm truyền thống có kinh nghiệm hoạt động tại bến xe miền Đông hơn chục năm cho biết sau Tết, hầu hết tài xế mặc áo Grab bao vây khu vực này đều là Grab giả nhằm “chặt chém” người dân.
“Một số người thấy dễ ăn khi tiền khách trả gấp 2-3 lần nên mới mạo danh nhảy vào chạy xe ôm. Ngoài ra, nhiều xe ôm truyền thống cũng lợi dụng việc này, họ chỉ cần khoác chiếc áo màu xanh vào là bắt khách. Nhiều người lao động không thường đi xe công nghệ, nghe quảng cáo Grab tưởng giá rẻ đồng ý đi là vào bẫy”, ông nói.
Tài xế Grab thật cũng lách luật, tránh chiết khấuThực tế, không chỉ có đối tượng giả tài xế xe ôm công nghệ mà các đối tác của Grab cũng lợi dụng tình trạng lượng người vào TP.HCM sau Tết tăng cao tại các bến xe, nhà ga để chơi “chiêu”.
Anh Hoàng Nhân - một tài xế GrabBike, cho biết những ngày gần đây, một số đồng nghiệp của anh bày cách tăng thu nhập bằng việc không nên rước khách qua ứng dụng tại bến xe miền Đông, miền Tây, ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất.
“Nếu rước khách không thông qua ứng dụng, tài xế sẽ không phải trả chiết khấu cho hãng. Trong một số trường hợp, nếu rước khách vào giờ cao điểm, hành lý nhiều, tài xế có thể yêu cầu nhiều tiền hơn. Thậm chí, có người còn nâng giá để thu nhập cao hơn sau khi hãng ngừng các chương trình hỗ trợ sau Tết”, anh Nhân nói.
Tuy nhiên, anh nói bản thân không áp dụng những chiêu này để kiếm tiền bởi nhiều người từ quê vào thành phố sau Tết vốn cũng khó khăn. Tết này, anh Nhân quyết định không về Quảng Ngãi mà ở lại thành phố kiếm thêm nên hiểu được nỗi khổ của người lao động.
Theo tìm hiểu, ban đêm mới là thời gian làm ăn của các nhóm đối tượng giả danh Grab và tài xế Grab bắt khách ngoài ứng dụng.
Càng khuya, mật độ tài xế xe công nghệ mỏng hơn trong khi số chuyến xe từ các tỉnh miền Trung đổ về là lúc các tay Grab này “chặt chém” khách. Do không còn sự lựa chọn, nhiều người phải bấm bụng chấp nhận đi.
Trong khi tuần trước, “con mồi” của các nhóm này là người lao động trở lại thành phố làm việc sau Tết thì 1-2 ngày trở lại đây, sinh viên các trường đại học là đối tượng mới của các nhóm này. Nguyên nhân là kỳ nghỉ Tết của sinh viên dài hơn người lao động khoảng một tuần sau Tết.
PV đã đặt vấn đề trên với Grab, đại diện ứng dụng gọi xe công nghệ này cho biết thời gian qua đã nắm được tình hình và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike đến Phòng an ninh kinh tế (Công an TP.HCM).
Riêng trường hợp đối tác của hãng vi phạm quy tắc ứng xử đã cam kết, tức cố tình bắt khách ngoài ứng dụng, phía Grab cho biết hãng có đội ngũ nhân viên thường xuyên theo dõi, ghi nhận và xử lý các trường hợp này.
Đồng thời, Grab cũng khuyến cáo khách nên đặt xe thông qua ứng dụng. Những chuyến đi không thông qua ứng dụng nếu có sự cố, hãng sẽ không xử lý bởi những cuốc xe này không được xem là đang sử dụng dịch vụ của hãng.
Theo Zing