Bán lẻ nội địa tìm đường tăng thị phần ngay trên sân nhà

Thứ tư, 13/02/2019, 08:35
Một số nhà bán lẻ nội cung cấp nhiều mô hình giải trí, ẩm thực kết hợp mua sắm trải nghiệm, mang lại nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu theo đánh giá của AT Kearney (Mỹ), Việt Nam chứng kiến cuộc cạnh tranh gay cấn của các doanh nghiệp trong nước và những tập đoàn bán lẻ đa quốc gia. Nhiều thương hiệu lớn từ các lĩnh vực như thời trang, nội thất và cửa hàng tiện lợi thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam.

Theo Savills, sau cơn sốt Zara, các "anh em" nhà Inditex như Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti đều có mặt tại thị trường. Hãng thời trang Thuỵ Điển H&M mở cửa hàng thứ ba tại TP.HCM. Các thương hiệu lớn như Uniqlo, Forever21... đều có kế hoạch xuất hiện tại Việt Nam thời gian tới.

Mới đây, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế Thuỵ Điển IKEA cũng thông báo kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 450 triệu Euro.

Cùng với đó, số lượng cửa hàng tiện lợi cũng gia tăng đáng kể. Tại TP.HCM, các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi quốc tế như Family Mart, B's mart, Circle K, Ministop, GS 25... đã có mặt tại hơn 1.000 địa điểm. Hai thương hiệu Nhật Family Mart dự kiến có tại 1.000 cửa hàng vào 2020 và 7-Eleven mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng đến năm 2027.

Hiệp hội Siêu thị Hà Nội ước tính, 50% thị phần bán lẻ Việt thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Song trên thực tế, con số này được cho là cao hơn.

Gigamall nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông Thành phố.

Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị, 70% thị phần qua cửa hàng tiện lợi, 15% thị phần siêu thị mini và khoảng 50% thị phần bán lẻ không thông qua cửa hàng (bán hàng trực tuyến qua Internet, truyền hình, điện thoại...).

Bán lẻ nội địa và bài toán tăng thị phần

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, từ sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài, các nhà bán lẻ trong nước có thể tập trung quan sát, phân tích ưu nhược điểm trước khi có chiến lược ứng phó phù hợp.

Thời gian vừa qua, bán lẻ nội bắt đầu có những động thái để duy trì và tăng thị phần. Tại một số vùng miền, những mô hình bán lẻ vừa và nhỏ mang tính địa phương đã xuất hiện như Lan Chi, Bách hóa Xanh, Citimart, Hà Nội Thanh Hảo, Mê Linh... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ, mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Savills nhận định, thị trường bán lẻ giai đoạn 2018 - 2021 sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng 10% , cửa hàng tạp hóa hiện đại tăng 9% và hàng may mặc tăng 6% mỗi năm. Ngoài ra, dịch vụ cá nhân và giải trí như trung tâm thể thao đa năng, rạp chiếu phim sẽ mở rộng nhằm đáp ứng chất lượng sống tốt hơn cho người dân tại các thành phố lớn.

Theo quy hoạch giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM đặt mục tiêu nâng cao tỷ trọng bán lẻ theo mô hình phân phối hiện đại. Mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM tăng nhanh, đặc biệt tại các khu vực ngoài trung tâm, nơi dân số đang dần đông đúc, thu nhập cải thiện nhưng mật độ bán lẻ trên đầu người thấp.

Người dân vẫn "khát" điểm đến trải nghiệm và vui chơi.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, dù nhiều trung tâm thương mại ra đời, người dân vẫn "khát" mặt bằng bán lẻ mới. Đầu tháng 1 vừa qua, tại sự kiện khai trương trung tâm thương mại Gigamall quy mô tại quận Thủ Đức, hàng vạn người dân đến tham quan, trải nghiệm là một trong những minh chứng cho thấy sức hút của các nhà bán lẻ trong nước.

Tiềm năng của trung tâm thương mại kiểu mới

Theo đại diện chủ đầu tư của Trung tâm thương mại Gigamall vừa khai trương đầu tháng 1 ở Thủ Đức, TP.HCM, những trải nghiệm mua sắm mới, công nghệ ứng dụng trong cửa hàng và sự góp mặt của nhiều thương hiệu quốc tế... là những yếu tố cần thiết duy trì sức hấp dẫn với khách hàng.

Trong đó, Gigamall được đầu tư theo hướng trung tâm thương mại kiểu mới, kết hợp mua sắm và trải nghiệm giải trí, vốn đang là trào lưu trên thế giới (shoppertainment).

"Bước vào Gigamall, khách hàng có thể cảm nhận không gian dành cho giải trí và ẩm thực, như dàn đèn LED chuyển màu mang đến những màn trình diễn âm thanh kết hợp ánh sáng, thưởng thức ẩm thực bốn phương tại khu vực Giga Deli với hàng trăm món ăn thay đổi thường xuyên", đại diện chủ đầu tư mô tả.

Người dân TP.HCM không cần ra nước ngoài để trải nghiệm công nghệ "phù thủy thị giác" như trước đây.

Một trong những khu vực mang lại trải nghiệm độc đáo là khu JP World với 12 trò chơi tương tác. Đây là công nghệ được mệnh danh là "phù thủy thị giác", tạo cảm giác và không gian ảo cho người xem.

"Với công nghệ tương tác ánh sáng đặc sắc, Gigamall hứa hẹn là điểm tham quan mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho du khách trong và ngoài nước", đại diện chủ đầu tư kỳ vọng.

Những màn trình diễn này được coi là điểm nhấn tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, như Bảo tàng Kỹ thuật số Mori (Tokyo, Nhật Bản) hay Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật Singapore. Theo chủ đầu tư, công ty Jazzy Paradise là đơn vị sở hữu công nghệ và phát triển nội dung biểu diễn tại đây.

Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM cũng cấp chứng nhận điểm đến du lịch cho trung tâm thương mại này, với kỳ vọng thúc đẩy ngành du lịch địa phương trong thời gian tới.

Theo VNE

Các tin cũ hơn