Đàm phán thương mại Mỹ - Trung giống như việc "nhổ răng"

Thứ sáu, 15/02/2019, 11:13
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc vẫn có quan điểm khác xa nhau trong những vấn đề chủ chốt, trong đó có đòi hỏi của Mỹ về việc Bắc Kinh phải thực hiện những cam kết cho phép tiếp cận thị trường bình đẳng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin rời một khách sạn ở Bắc Kinh. (Ảnh: SCMP)

“Đang có những hoài nghi đáng kể về những điều Trung Quốc đặt lên bàn”, một nguồn tin nắm được diễn biến đàm phán nói với báo South China Morning Post. Về tiến trình đàm phán, Trung Quốc vẫn đang dùng lại những đề xuất cũ, giống như “tua lại đoạn băng cũ” mà phía Mỹ không muốn nghe, nguồn tin nói.

Trung Quốc chỉ đưa ra những đề xuất có tính “trang trí” đối với những vấn đề Mỹ coi là cốt lõi, như bảo hộ của chính phủ đối với ngành công nghiệp, nguồn tin nói. Người này ví cuộc đàm phán đang diễn ra ở Bắc Kinh giống như việc “nhổ răng”.

Việc Trung Quốc cố trì hoãn trong những vấn đề quan trọng đã khiến phía Mỹ giận dữ, nguồn tin cho biết.

Các nhà đàm phán cũng đang thảo luận khả năng bỏ 10%  thuế trừng phạt của Mỹ đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng vẫn để mức thuế 25% đối với lượng hàng Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, hai nguồn tin khác cho biết.

Đổi lại, Bắc Kinh có thể cam kết thực hiện thay đổi cấu trúc nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn cho các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc, sẽ mở rộng tiếp cận thị trường và giảm trợ cấp của chính phủ.

Ngoài ra, lời hứa mua hàng Mỹ như số linh kiện bán dẫn Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong 6 năm – như Wall Street Journal đưa tin gần đây – sẽ được Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ hoan nghênh. Điều này có thể giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến thắng trong nỗ lực giảm bớt thâm hụt thương mại, một nguồn tin cho biết. Nhưng những người cứng rắn trong chính quyền Mỹ, như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, được cho là sẽ từ chối những đề xuất không giúp giải quyết những lo ngại về cấu trúc.

Khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời hạn kết thúc đình chiến thương mại, cuộc đàm phán mới nhất bắt đầu từ những thứ hai bên đã nhất trí được trong cuộc đàm phán trước đó vào cuối tháng 1 tại Washington. Đồng chủ trì đàm phán lần này có Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Nhưng cả hai đều nói rằng thỏa thuận cuối cùng cần có sự quyết định của lãnh đạo hai nước.

Một trong những mục đích hàng đầu của Bắc Kinh khi cử ông Lưu đến Washington vào cuối tháng 1 là để kéo dài thời gian và bảo đảm thỏa thuận cuối cùng sẽ do ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc thống nhất tại một cuộc gặp thượng đỉnh, nguồn tin nói.

Một nguồn tin khác cho biết trong lúc ở Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã nêu ý tưởng lập ra cơ chế đối thoại song song nhằm giải quyết vấn đề dẫn độ phó chủ tịch phụ trách tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu. Không rõ chuyện của Huawei có phải vấn đề nổi bật trong cuộc đàm phán lần này ở Bắc Kinh hay không.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn