Dịch tả heo châu Phi: Đe dọa ba vùng trọng điểm

Thứ sáu, 15/03/2019, 11:01
Đến ngày 14-3, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, TP với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 23.442 con và có nguy cơ lan rộng đến cả 3 vùng trọng điểm.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1 (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo sáng 14-3

Tại cuộc họp khẩn do Bộ NN&PTNT tổ chức nhằm bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi chiều 14-3, nhiều địa phương như Hải Dương, Thanh Hóa... cho biết đã chi cả chục tỉ đồng để mua hóa chất tiêu độc, khử trùng, ngăn chặn dịch lây lan.

7 tỉ đồng ngân sách chỉ cho việc phun thuốc

Ông Nguyễn Anh Cương, phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết hiện địa phương có khoảng 570.000 con heo. Từ khi phát hiện dịch đến nay đã lan ra 18 xã, 6 huyện với khoảng 900 con heo bệnh và đã tiêu hủy khoảng 50.000 tấn.

"Có thể thấy ý thức người dân chấp hành rất tốt, khi phát hiện là tiêu hủy ngay, hỗ trợ kịp thời thì người dân mới không giấu dịch. Đến nay sau 13-14 ngày điểm dịch đầu tiên chưa phát sinh mới. Trong khi chờ hỗ trợ từ bộ thì ngày 14-3 tỉnh quyết định chi thêm khoảng 10 tỉ từ ngân sách để mua thuốc cấp cho các địa phương phòng chống dịch" - ông Cương nói.

Ông Nguyễn Đức Quyền, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết với đặc điểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, văcxin không có, thuốc phòng ngừa không có nên tỉnh chỉ biết dựa vào tiêu độc khử trùng bằng vôi bột và hóa chất. "Một hộ có heo bệnh là chúng tôi phải phun thuốc, rắc vôi cả xã, cả làng. Hiện Thanh Hóa đã tốn 7 tỉ đồng ngân sách chỉ cho việc phun thuốc hóa chất và vôi bột, còn công xá chưa tính gì cả, đền bù cho bà con chưa giải quyết được"- ông Quyền nói.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tiêu hủy ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà

Hỗ trợ theo giá thị trường: dân lỗ

Ông Trương Minh Hiến, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết đến thời điểm này chỉ có 4 xã, 7 hộ ở 4 huyện với 401 con heo bị tiêu hủy. Ngay từ khi dịch bệnh chưa xảy ra trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện các giải pháp phòng chống theo đúng hướng dẫn. Hà Nam ý thức rõ hậu quả xảy ra cho đàn heo nếu dịch bùng phát lây lan trên diện rộng vì Hà Nam có xấp xỉ 500.000 con.

"Riêng về cơ chế hỗ trợ, chúng tôi đã trích ngân sách để hỗ trợ người dân ngay lập tức 32.000 đồng/kg tiêu hủy, đối với heo nái thì tăng gấp 1,5 lần. Mặc dù Chính phủ có ý kiến là hỗ trợ heo dịch bệnh bằng 80% giá thị trường, nhưng thực tế hiện nay heo hơi đang có giá 33.000 - 34.000 đồng/kg. Bởi vậy, có hỗ trợ 100% thì cũng chỉ được như vậy nên chúng tôi cũng hơi băn khoăn" - ông Hiến nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quyền cho rằng giá thị trường đang xuống thấp, nếu áp dụng cứng nhắc theo giá thị trường thì dân lỗ, có khi người dân cũng bán chạy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý là trong hỗ trợ có nói "ít nhất" 80%, còn ở mức nào thì do tỉnh quyết định, nếu được 100% thì không có gì người dân phải thắc mắc.

Cực kỳ nguy hiểm

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, mặc dù thực hiện khá đồng bộ và chủ động các nhóm giải pháp, nhưng điều đáng tiếc là dịch bệnh vẫn xảy ra. Đến nay dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh thành, tổng số heo tiêu hủy 23.442 con. Với tình hình như vậy, ông Cường nhận định nếu không quyết liệt thì thời gian tới có nguy cơ dịch sẽ lan ra 3 khu vực trọng điểm cực kỳ nguy hiểm.

Thứ nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vùng này không tổ chức phòng chống dịch tốt thì sẽ lan sang các địa phương chưa bị. Nguy cơ rất cao, bây giờ mới 23.000 con, nếu không giữ được sẽ lan ra hầu hết địa bàn đồng bằng sông Hồng. Khu vực thứ hai là miền núi phía Bắc, đây là vùng có địa hình phức tạp, tồn dư lâu, âm ỉ, kéo dài thời gian.

Khu vực thứ ba là các tỉnh phía Nam, nếu không giữ được thì vô cùng nguy hiểm. "Vùng này sông nước như thế, giao thương như thế, nếu xảy ra là mất tất, một số tỉnh trọng điểm chiếm 10% tỉ trọng ngành chăn nuôi heo, rất nguy hiểm nếu để dịch lây lan nên chúng ta phải ý thức rất rõ để phòng chống. Nếu đúng như tình hình dự báo 3 vùng trọng điểm này bị dịch thì thiệt hại vô cùng lớn, đe dọa một thời gian dài mới khôi phục được ngành chăn nuôi heo" - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Ông Cường đề nghị phải tập trung xử lý an toàn sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi. Đối với các hộ nhỏ lẻ, khi xử lý thức ăn bà con nên dành một chút công sức xử lý nhiệt để đảm bảo an toàn cho vật nuôi.

Đồng thời, xử lý cả an toàn dịch bệnh như đi ăn cỗ chỗ nào cũng phải cảnh giác, ít đi chơi ở những vùng xa xôi, tập trung vào sản xuất. Đối với nhóm trang trại lớn, yêu cầu quán triệt bằng điện thoại, bằng mọi kênh, đừng đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan. Phải áp dụng hình thức thông tin gián tiếp một cách hiệu quả.

Nguồn: Cục Thú y (Bộ NN&PTNT)

Kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo

Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tăng cường kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo như sau:

Đối với tỉnh Quảng Bình thành lập ngay 2 chốt kiểm dịch tạm thời (1 chốt tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch và 1 chốt tại xã Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa), bố trí đầy đủ các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam.

Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông. Tạm dừng vận chuyển heo, sản phẩm heo từ các huyện có dịch ra khỏi huyện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con heo cuối cùng mắc bệnh được tiêu hủy.

17 tỉnh thành có dịch

Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An.

Theo TTO

Các tin cũ hơn