Lý giải nguồn tiền 7.400 tỷ của cổ đông An Quý Hưng tại ĐHCĐ Vinaconex

Thứ sáu, 28/06/2019, 17:28
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex, khẳng định 7.400 tỷ đồng mà nhóm cổ đông An Quý Hưng chi ra để mua vốn Vinaconex không phải tiền đi vay ngân hàng như nhiều người đồn đoán.

Sáng nay (28/6), Tổng công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên 2019 để thông qua các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay.

Đặc biệt, cuộc họp này cũng là lần đầu tiên HĐQT, cổ đông Vinaconex có mặt đầy đủ kể từ sau đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 1 đầu năm. Trong thời gian này, HĐQT công ty từng nhiều lần triệu tập họp nhưng nhiều đại diện cổ đông không tới tham dự.

Lý giải nguồn tiền 7.400 tỷ của An Quý Hưng

Tại đại hội, câu hỏi được nhiều cổ đông quan tâm chính là những tin đồn về việc thất thoát tài sản công ty cũng như tình trạng phân chia quyền lực tại Vinaconex diễn ra thời gian qua.

Đại diện ban lãnh đạo, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, đồng thời là đại diện nhóm cổ đông An Quý Hưng khẳng định không có chuyện tẩu tán tài sản gây thất thoát cho cổ đông.

Vị này cho biết từ khi trở thành Chủ tịch, ông chưa ký bất cứ hợp đồng nào gây thiệt hại cho cổ đông và doanh nghiệp. Như trường hợp dự án 1.000 tỷ đồng tại Bình Định có thể mang về 100-120 tỷ đồng lợi nhuận nhưng cũng chưa hề phê duyệt.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

“Tôi và ông Đông (Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex -PV) là đại diện của An Quý Hưng, nhưng sau chúng tôi còn nhiều người nữa góp vốn. Tiền mua Vinaconex là do chúng tôi góp lại, không hề có ngân hàng phía sau để vay”, ông Thanh nói.

Vị chủ tịch cũng khẳng định không có chuyện chuyển tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng để bù đắp số tiền đã chi ra mua vốn công ty.

Trước đó, khi Công ty TNHH An Quý Hưng (nắm giữ 57,71% vốn Vinaconex) phải huy động 5.300 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu nhưng không thành công. Nhiều tin đồn cho rằng công ty mẹ của Vinaconex đang gặp áp lực về tài chính dẫn tới lo ngại nhóm cổ đông này có thể rút tiền từ Vinaconex để bù đắp số tiền 7.400 tỷ đồng đã chi ra.

Trước thời điểm mua lại Vinaconex, An Quý Hưng chỉ có tổng tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng với doanh thu năm gần nhất (2017) đạt 956 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này lại chi tới 7.400 tỷ để mua 57,71% vốn tại Vinaconex.

Cùng với thương vụ này, chỉ trong năm 2018, tổng tài sản của An Quý Hưng đã tăng một mạnh hơn 12 lần, lên mức gần 12.700 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty này đầu năm 2018 là hơn 534 tỷ đồng thì đến cuối năm đã lên 12.000 tỷ. Trong đó, nợ phải trả dài hạn là hơn 8.000 tỷ đồng, phần lớn trong số này là nợ phải trả từ bên thứ ba.

Những biến động tài chính tại An Quý Hưng cùng việc huy động không thành công 5.300 tỷ đồng trái phiếu khiến nhiều tin đồn xuất hiện cho rằng công ty này đang khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, tuyên bố tại đại hội cổ đông sáng nay của ông Thanh đã phần nào làm rõ nguồn tiền mà An Quý Hưng có được để mua vốn Vinaconex.

Liên doanh tại dự án Splendora đang thua lỗ

Cũng tại đại hội lần này, lãnh đạo Vinaconex đã chia sẻ về tình hình các dự án lớn mà công ty đang triển khai, trong đó có dự án Cái Giá - Cát Bà (Hải Phòng) và Splendora (Hà Nội).

Theo đó, dự án Splendora có diện tích lên tới 200ha đến nay vẫn chưa được triển khai cụ thể.

Một phần dự án Splendora An Khánh do Vinaconex là Sovico sở hữu. (Ảnh: Splendora).

Dự án được Công ty An Khánh - JVC đầu tư và triển khai. Doanh nghiệp này là liên doanh do Vinaconex và Posco thành lập ban đầu, mỗi bên nắm 50% vốn. Trong đó, Vinaconex được quyền cử chủ tịch, còn Posco cử tổng giám đốc trong liên doanh.

Tuy nhiên sau đó, Posco đã bán lại toàn bộ vốn góp tại dự án cho Sovico (công ty mẹ của Địa ốc Phú Long).

Chia sẻ thêm về tình hình của liên doanh, lãnh đạo Vinaconex cho biết công ty này đang lỗ 1.600 tỷ đồng, âm vốn sở hữu 1.000 tỷ đồng. Tổng nợ của doanh nghiệp cũng đã lên tới 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản nợ tiềm tàng khoảng 1.600 tỷ.

Theo đó, muốn phát triển dự án này cần thêm khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng để làm hạ tầng với quy mô đồng bộ.

Lãnh đạo công ty cũng cho rằng khả năng triển khai dự án hoàn toàn khả thi vì chỉ tính riêng diện tích đất thương mại đã là 70 ha. Dự kiến nếu đầu tư, doanh nghiệp có thể bán được 40.000-50.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Thanh cũng cho biết Sovico đang bày tỏ ý định muốn mua lại toàn bộ dự án. Vinaconex đang xem xét nếu được giá sẽ đồng ý bán lại cho đối tác.

Theo Zing

Các tin cũ hơn