Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện hiện nay có sử dụng cụm từ “mở lon Việt Nam”.
Công văn vừa qua của Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ việc sử dụng cụm từ này trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Quảng cáo này cũng không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 và Khoản 1, Điều 19 Luật Quảng cáo.
Cụm từ "Mở lon Việt Nam" được cho là có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ảnh: Coca-Cola Việt Nam. |
Do đó, Cục đề nghị các Sở VHTTDL các địa phương kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận. Từ đó yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa cụm từ “mở lon Việt Nam”.
"Yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên bảng biểu, băng rôn", công văn nêu.
Đối với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác, Cục yêu cầu kiểm tra, chỉnh sửa hoặc tháo dỡ các sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên và tiến hành xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào dịp AFF Cup 2018, Coca-Cola Việt Nam tung bộ sưu tập lon nước ngọt phiên bản đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong quảng cáo, nhãn hàng tiếp tục đưa hình ảnh những "chàng trai vàng" lồng ghép trong thông điệp "Mở lon Việt Nam". Ngay thời điểm đó, chiến dịch quảng cáo này đã nhận không ít chỉ trích của cộng đồng về việc sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam".
PV liên hệ với đại diện Coca-Cola Việt Nam nhưng vị này cho biết chưa nắm được thông tin về công văn chấn chỉnh của Bộ VHTTDL.
Hiện tại, Bộ VHTTDL đã gỡ thông tin về công văn trên website chính thức. Phía Coca-Cola Việt Nam cho biết đã nhận được thông tin chấn chỉnh này từ vài ngày trước và đang làm việc trong nội bộ để có các bước xử lý tiếp theo. Tuy nhiên, công ty này khẳng định các quảng cáo trên truyền hình, bảng hiệu, băng rôn... đều đã được cấp phép mới đi vào sử dụng.
Theo Zing