Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần 9 vẫn còn nhiều bất cập |
Nguy cơ giảm tài xế, giá cước tăng cao
Cuộc chiến giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ chưa bao giờ sôi động như hiện nay. Sau VATO, FastGo, Go-Viet, sự xuất hiện của "tân binh" be cũng đã tác động không nhỏ đến cán cân thị trường. Mới đây nhất, Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng vừa thông báo đang chạy thử nghiệm ứng dụng gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo, dự kiến ra mắt từ ngày 1.7. Theo các chuyên gia, càng nhiều doanh nghiệp gia nhập, thị trường gọi xe càng tăng sức cạnh tranh và hưởng lợi lớn nhất vẫn là người dùng.
Tất cả ứng dụng khi mới ra mắt đều "tung" nhiều chương trình khuyến mãi mạnh, giảm giá tối đa để thu hút cả người dùng và tài xế. Sau một thời gian, hầu hết doanh nghiệp sẽ phải rút dần khuyến mãi, trở về mức giá hợp lý để cân bằng giữa lợi ích của cả người dùng lẫn doanh nghiệp.
Do đó, trong tất cả các lần góp ý cho bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và bản thân các đơn vị quản lý như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đã nhấn mạnh nếu không có cơ chế khuyến khích, ngược lại, còn "ép" các loại hình như Grab, Go-Viet vào quản chung với mô hình taxi truyền thống, buộc áp dụng các quy định như gắn mào, gắn phù hiệu "xe taxi" trên kính xe... sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, nguy cơ người dùng hết thời gọi xe giá rẻ.
Thực tế, thông tin xe hợp đồng sẽ phải gắn mào, gắn phù hiệu lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo giới tài xế chạy xe công nghệ. Anh L.S.Hiếu, tài xế đang chạy ứng dụng Grab bức xúc: "Có phải taxi bắt khách dọc đường đâu mà phải gắn biển trên nóc cho người ta nhận ra. Biển số xe, loại xe, màu xe, thông tin của tôi khách hàng có hết, trước khi đến đón chúng tôi cũng đã gọi điện trao đổi vị trí rồi. Xe nhà mình mà bắt gắn biển kỳ lắm, không chạy nữa thì thôi chứ phải tháo ra, gắn vào suốt ngày, phiền!".
Không chỉ anh Hiếu, nhiều tài xế thuộc các hãng taxi công nghệ khác cũng than phiền và chia sẻ sẽ không tiếp tục chạy xe vì họ không phải nhân viên cơ hữu của hãng, chỉ lúc nào rảnh rỗi mới lấy xe nhà ra chạy kiếm thêm thu nhập.
Số lượng tài xế giảm đồng nghĩa với việc đặt xe của khách hàng sẽ khó hơn, giá cước cũng cao hơn vì các ứng dụng gọi xe như Grab sẽ tính toán giá theo thuật toán dựa trên sự cân đối giữa cung - cầu. Tại thời điểm, khu vực nhu cầu đi lại cao mà lượng tài xế đáp ứng thấp thì giá sẽ tự "nhảy" cao hơn bình thường.
Nhiều tài xế chạy Grab lúc nhàn rỗi sẽ "bỏ cuộc chơi" nếu nhà nước yêu cầu phải gắn mào cố định trên phương tiện |
Tăng chi phí doanh nghiệp, người dùng chịu thiệt
Nhìn lại, trong mấy năm qua, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã mang đến bước chuyển mình ngoạn mục cho ngành vận tải Việt Nam. Minh bạch thông tin, giá cước, người tiêu dùng không còn khốn khổ chịu cảnh taxi đi lòng vòng "ăn tiền", thái độ thiếu văn minh, bất lịch sự như trước. Quan trọng nhất là giá cước đặt xe qua các ứng dụng công nghệ thấp hơn nhiều so với taxi truyền thống do kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng, các doanh nghiệp này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống. Phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất.
Vì thế, chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cho rằng nếu “ép” Grab vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải, họ sẽ trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống. Khi đó, buộc Grab phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… Tất cả chi phí sẽ được doanh nghiệp sẽ áp vào giá thành, người dân hết thời đi xe giá rẻ. Bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa
"Cần thiết phải có luật riêng để quản lý Grab, theo kịp, thậm chí đón đầu những thay đổi liên tục về công nghệ. Trong đó, phân định trách nhiệm của từng đơn vị về quản lý thuế, cơ sở hạ tầng… Không thể lấy cái cũ chỉnh sửa lại vì bản chất hoàn toàn khác nhau, họ không phải taxi, kinh doanh vận tải. Thời đại công nghệ, chỉ công nghệ mới quản được công nghệ”, ông Hòa đề xuất.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một doanh nghiệp vận tải sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi, tăng chi phí, triệt tiêu lợi ích của họ. Đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ và chịu thiệt cuối cùng chính là người tiêu dùng.
Theo Thanh Niên